An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Chuyện người Đội trưởng Đội đặc nhiệm chống ăn xin...
07:01 PM 08/12/2020
Hơn 10 năm trong Đội “đặc nhiệm” chống… ăn xin, Hải và anh em trong đội đã nhiều lần bị nhóm bảo kê trực tiếp đe dọa, lăng mạ, chặn đầu xe… mà nếu không cứng, không bản lĩnh thì không trụ lại được với nghề.

NIỀM VUI KHI ĐƯỢC GIÚP ĐỠ NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

Trung tâm Bảo trợ Xã hội I nằm ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, ba giờ chiều một ngày đầu tháng 10 khá yên ắng. Dù chúng tôi đã gọi điện liên hệ xin gặp trước nhưng vẫn phải chờ 1 tiếng sau, anh Nguyễn Văn Hải – Đội trưởng Đội trật tự xã hội lưu động (Trung tâm Bảo trợ xã hội I) mới đi khảo sát trên huyện Sóc Sơn về đến đơn vị. Hải là một gương điển hình sâu sát, trách nhiệm, xử lý tốt công việc của Trung tâm Bảo trợ xã hội I.
Cán bộ Đội đưa người lang thang lên xe về Trung tâm
“Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm là một trong ba đội của Thành phố Hà Nội được giao tập trung, tiếp nhận những người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội. Từ đầu năm đến giờ, Đội em tập trung được 288 lượt người lang thang  rồi. Nhiều người vẫn gọi vui Đội là đội đặc nhiệm... chống ăn xin” – Hải mở đầu câu chuyện.

Trong căn phòng làm việc của Đội 1, Hải cho biết, Đội có 13 người. “Anh em trong Đội khá trẻ, 2 đồng chí 7X, còn lại là 8X, 9X” – Hải nói. Nhân lực mỏng nhưng đội phải phụ trách 10 quận, 4 huyện. Đội chia 3 ca đi khảo sát từ 7 giờ đến 22 giờ, kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật, ngày lễ, Tết nên hầu như không có ngày nghỉ.

Theo Hải, mỗi năm Đội tập trung, tiếp nhận từ 550 – 600 lượt người lang thang, xin tiền trên địa bàn 14 quận, huyện được giao. Bình quân mỗi tháng khoảng 40-50 lượt người. 

Vẫn xoay quanh câu chuyện tập trung những người lang thang, nhưng hướng mắt nhìn ra phía khuôn viên Trung tâm, lặng im một lúc, Hải nói: Không phải ai cũng muốn đi ăn xin, có nhiều người thì vì bị ép buộc phải đi, nhưng có những người vì hoàn cảnh, trong đó đáng thương nhất là những người già, trẻ nhỏ. 

Niềm vui của Hải và các anh em trong Đội là giúp đỡ được những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Hơn 10 năm trong đội, Hải kể, nhiều khi gặp những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự, có biểu hiện thần kinh không bình thường, đi lang thang nhặt rác, có trường hợp cả mấy năm không tắm gội, đầu tóc bù xù… rất đáng thương.

Hàng ngày, những người lang thang tại Trung tâm đều được vui chơi thể thao

Chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh nhưng có 2 trường hợp để lại ấn tượng nhất với Hải. Một là trường hợp anh Miên quê Nghệ An, bị mù, đối tượng bị bảo kê, chăn dắt đưa đi ăn xin. Miên là đối tượng đã ra vào trung tâm 6 lần. “Hằng ngày đối tượng bảo kê đưa đi từ 5h30, đến 22 giờ mới được đón về, ăn uống thì kham khổ. Khi được đưa vào Trung tâm, Miên có nói: Các anh bắt em vào đây là sướng quá, sống rồi. Nhưng cứ khi Miên vào Trung tâm thì đối tượng bảo kê lại phục sẵn, chờ khi Miên ra khỏi Trung tâm là lại bắt đi ăn xin tiếp” – Hải kể.

Trường hợp thứ 2 mà Hải vẫn nhớ là một cụ bà ở chùa Quán Sứ không nhà cửa, đi lang thang. Cụ không biết cách nào để đi vào Trung tâm bảo trợ, nên hỏi người ngoài đường thì được mách cứ ngày mồng 1, ngày rằm ngồi ăn xin ở cổng chùa thì sẽ có người của Trung tâm đến đưa đi. “Hôm đó, anh em trong đội có đi kiểm tra qua cổng chùa Quán Sứ, thì bà gọi với theo nói các chú cho tôi đi theo với, cho tôi về trung tâm” – Hải nhớ lại.

Hải cũng cho biết, các trường hợp được tập trung đều được bố trí phòng ở và được cấp phát đồ dùng sinh hoạt, quần áo đồng phục. Trong thời gian lưu trú tại đơn vị, đối tượng được đảm bảo chế độ nuôi dưỡng theo mức trợ cấp của Thành phố và được kiểm tra sức khỏe, điều trị những bệnh thông thường. Các trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu được đơn vị chuyển đi bệnh viện. Hàng ngày, Trung tâm còn tổ chức cho đối tượng vui chơi thể thao, xem ti vi, đọc báo, lao động.

Niềm vui khác của Đội là góp phần giúp Hà Nội sạch bóng người ăn xin. “Những hoạt động của Đội cũng góp phần làm giảm đi một cách đáng kể tình trạng người lang thang tại các điểm công cộng, danh thắng cảnh, vui chơi giải trí... Điều này góp phần vào làm tốt công tác an sinh xã hội của thành phố làm cho hình ảnh Thủ đô ngày càng văn minh, nhân văn, giữ gìn hình ảnh về Thủ đô Hà Nội trong lòng bạn bè quốc tế cũng như nhân dân cả nước về thăm Thủ đô” – Hải vui mừng cho biết.

KHÔNG BẢN LĨNH KHÔNG TRỤ ĐƯỢC VỚI NGHỀ

“Giờ ít người đi ăn xin vì lâm vào hoàn cảnh khốn cùng lắm chị ạ, ăn xin bây giờ là một nghề” – Hải nói. Chính vì vậy, việc tập trung những người lang thang xin ăn không hề dễ dàng. “Để tập trung được 1 đối tượng, anh em trong Đội đối mặt rất nhiều khó khăn. Nếu non gan, không cứng, không bản lĩnh thì không trụ lại được với nghề” – Hải chia sẻ.
Những thành viên trong Đội và lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội I
Hải phân tích, diễn biến hoạt động của những người lang thang xin ăn ngày càng tinh vi, phức tạp. Họ thường xuyên thay đổi địa bàn, giờ giấc hoạt động, biến tướng trong hành vi như lợi dụng bán hàng để xin tiền, cạo tóc giả sư hành khất để đi xin ăn, xin tiền... gây khó khăn cho công tác phát hiện, theo dõi và tập trung, xác minh đối tượng. “Hiện nay, có một số tổ chức đứng ra tổ chức cho người khuyết tật hát rong ở các ngã tư, ngã năm để gây quỹ ủng hộ… Ngoài việc gây phản cảm còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người đi đường” – Hải nói.


Hầu hết những người ăn xin đều không muốn bị đưa về Trung tâm và có “chiêu trò” phản kháng. Ăn vạ, đập đầu xuống đất, đe dọa, cắn, cấu xé… nhân viên tập trung là chuyện “cơm bữa”, không kể hết. Đã thế các trường hợp lang thang xã hội có thể mang trong mình rất nhiều nguồn bệnh mà không thể phát hiện bằng mắt thường được. Bản thân những người lang thang còn không biết mình mắc bệnh gì, nên trong quá trình tiếp xúc với họ, cán bộ xã hội còn có nguy cơ lây nhiễm các bệnh như: Lao phổi, HIV, AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác.

Hải kể, trong thời gian hơn 10 năm qua, có tới 6 đồng chí trong Đội bị đối tượng cắn. Những đối tượng này chiếm đến 80% là người nghiện ma túy, 20% còn lại có quan hệ tình dục với người nghiện ma túy.

Với Hải, đó là năm 2012, trong một đêm tập trung 3 người lang thang hát rong xin tiền ở hồ Linh Đàm, bị một cô gái trong nhóm cắn xước bắp tay. Bạn trai của cô là người nghiện ma túy lâu năm. “Quãng thời gian chờ đợi thật nặng nề, khi kết quả xét nghiệm được trả về, hai mẫu máu đều âm tính với HIV, cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm” – Hải nói.

Bên cạnh những khó khăn đến từ việc người lang thang chống đối, cán bộ, nhân viên Đội còn bị nhóm bảo kê đối tượng trực tiếp đe dọa hành hung, lăng mạ, chặn đầu xe... “Chưa có thống kê chính thức, nhưng thống kê nhanh thì có tới 60% người lang thang xin tiền được tập trung là có đối tượng đứng đằng sau chăn dắt, bảo kê” – Hải chia sẻ.

Bất kể sớm khuya, nắng mưa, lễ tết, cứ có sự việc là Hải và các cán bộ trong Đội lập tức lên đường.

Hải kể, rất nhiều lần các anh em trong đội bị nhóm bảo kê dùng hung khí đe dọa. Trong khi đó, cái khó của anh em trong Đội là khi đi tập trung, với đặc thù là ngành công tác xã hội nên Đội không được trang bị công cụ hỗ trợ, chỉ được tuyên truyền, vận động đối tượng. Lần đầu, người của đội ai cũng sợ, còn giờ anh em cũng đã “có kinh nghiệm” hơn với việc những thành phần "người nhà" này chặn xe, đập cửa xe đòi người.

Hải cũng chia sẻ, trước sự vào cuộc mạnh mẽ của Trung tâm trong công tác tập trung người lang thang, ngay từ những ngày đầu năm 2019, các đối tượng bảo kê chăn dắt hàng ngày cử người sang Trung tâm theo dõi hoạt động xe của đơn vị. Khu vực xung quanh cổng luôn có từ 1 đến 2 đối tượng lạ mặt lượn lờ, đảo đi đảo lại theo dõi Trung tâm. Cứ thấy ô tô rời khỏi Trung tâm là các đối tượng phóng xe máy bám theo đánh võng trước đầu xe, lên tiếng chửi bới… đồng thời báo cho người chở những đối tượng ăn xin về, gây khó khăn cho công tác tập trung của Trung tâm.

Trung tâm hàng ngày phải cử cán bộ đi theo dõi, quay phim, chụp hình ghi lại những đối tượng lạ đến quanh cơ quan theo dõi và có phối hợp với lực lượng công an xã để xử lý.

Còn từ đầu năm nay, các nhóm bảo kê chia nhau ra đứng các đầu cầu như: cầu Chương Dương, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long… để theo dõi hoạt động của xe cơ quan. Hễ thấy ô tô qua cầu sang bên nội thành là sẽ báo cho người chở đối tượng đi… gây khó khăn cho công tác tập trung đối tượng.

Theo lời kể của Hải, các đối tượng chăn dắt, bảo kê đầu tiên sẽ xin xỏ, không được thì quay ra gạ gẫm, mua chuộc để anh em “nhắm mắt làm ngơ”. “Họ ra giá sẽ đưa anh em khoảng 3-4 triệu/tháng để làm ngơ. Nhưng trước những lời mời như vậy, anh em cương quyết nói không với những tiêu cực. Bởi anh em hiểu mình không chỉ là cán bộ, mà còn là đảng viên, phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ. Trung tâm đã có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề chống tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu đồng chí nào vi phạm thì bị buộc thôi việc” – đảng viên Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.

Đưa người lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội là chính sách nhân văn của thành phố, góp phần trợ giúp các đối tượng yếu thế nhưng nhiều người dân chưa hiểu nên bênh vực các đối tượng. “Nhiều người dân khi thấy anh em trong đội thực hiện nhiệm vụ ra can ngăn và nói “Họ khổ lắm rồi, các anh tha cho họ đi hoặc thấy chúng tôi đang tác nghiệp thì họ ra nhắc cho đối tượng chạy mất”. Điều này cũng phần nào làm ảnh hưởng và gây cản trở cho việc tập trung người lang thang” – Hải chia sẻ.

DUYÊN VỚI NGHỀ

Với Hải, chuyện đến với nghề công tác xã hội dường như là cái “duyên với nghề”.

Năm 2005, Hải chính thức trở thành sinh viên khoa Công tác xã hội của trường Đại học Lao động Xã hội.

Cũng không nghĩ ra trường sẽ được làm đúng nghề, Hải cười nói, “em có lẽ là một trong những người rất may mắn bởi ngay sau ra trường có việc ngay, lại đúng ngành học”.

Từ những bỡ ngỡ, dè dặt ban đầu khi được giao nhiệm vụ mà chưa mường tượng hết hoạt động, khó khăn vất vả của việc “gom” người ăn xin, đến nay Hải ngày càng vững vàng hơn về kỹ năng theo dõi, phát hiện đối tượng; kỹ năng làm việc với đối tượng, kỹ năng nắm địa bàn…

Bên cạnh đó, Hải và cán bộ trong Đội đều có kỹ năng mềm xử lý với từng tình huống cụ thể. Đơn cử như có trường hợp khi đưa lên xe của Trung tâm thì đột nhiên bị co giật do động kinh. Với những trường hợp như vậy, cán bộ trong Đội cũng nắm rõ các bước sơ cứu ban đầu để đảm bảo an toàn cho họ như: di dời những đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân ra xa; kê gối dưới đầu bệnh nhân và nghiêng đầu sang một bên, chùi sạch nước bọt hoặc các chất nôn ói (nếu có); không đè hoặc giữ tay chân bệnh nhân lúc đang co giật…

“Vừa chạy, vừa xếp hàng” – Hải gói gọn phương châm của đội. Giải thích rõ hơn, Hải nói, đội vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cứ sau mỗi sự việc sự vụ các anh em ngồi lại cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

Từ thực tế công tác, đến nay Hải cùng anh em trong Đội đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm. Đó là kinh nghiệm trong tổng hợp địa bàn, phối hợp với lực lượng tại phường, xã, thị trấn; đối phó với đối tượng bảo kê… Những kinh nghiệm ấy đã giúp công tác tổ chức hoạt động của Đội ngày càng ổn định và có chiều sâu hơn, việc nắm bắt địa bàn đã có nhiều phương pháp phong phú và đa dạng. Cán bộ nhân viên đã có trách nhiệm và sâu sát hơn, có trau dồi và chuyên môn cao hơn trong công tác phát hiện, tập trung người lang thang, biết nắm bắt tình hình và giải quyết công việc.

Hỏi chuyện gia đình, Hải trầm ngâm, là Đội trưởng vừa là vinh dự nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn. “Với em, chuyện 1-2 giờ đêm vẫn có điện thoại gọi để xử lý công việc là “chuyện thường ngày ở huyện”, mà nếu không xử lý được qua điện thoại thì dù nhà xa cơ quan, địa bàn thì cũng phải đi xe máy đến cơ quan, địa bàn để giải quyết. Còn với Đội thì 24/24 giờ, bất kể sớm khuya, nắng mưa, lễ Tết anh em cũng lên đường ngay khi có sự việc” – Hải nhấn mạnh.

Đội trưởng Nguyễn Văn Hải lấy thông tin một người lang thang tại Trung tâm.

Dù cũng hiểu và cảm thông, chấp nhận với đặc thù công việc của chồng, nhưng Hải không giấu giếm chuyện nhiều khi vợ cũng “hậm hực” khi nửa đêm chồng vẫn có điện thoại, con nhỏ tỉnh giấc; khi ngày lễ, tết chồng không có mặt ở nhà...

Đang dở chừng câu chuyện, Hải có điện thoại báo tiếp nhận đối tượng, cần lên đường ngay. Trước khi vội đi, Hải nói, dù nghề này đối mặt nhiều khó khăn, bất trắc là vậy nhưng em vẫn thấy thật may mắn khi có duyên với nghề. Hơn nữa, nghề công tác xã hội những năm gần đây đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhiều người biết đến hơn; sự quan tâm của các cấp, các ngành đến chế độ lương, phụ cấp của những người làm nghề công tác xã hội cũng là động lực để Hải và các anh em trong Đội tiếp tục gắn bó với nghề nghiệp của mình.

Đang dở chừng câu chuyện, Hải có điện thoại báo tiếp nhận đối tượng, cần lên đường ngay. Trước khi vội đi, Hải nói, dù nghề này đối mặt nhiều khó khăn, bất trắc là vậy nhưng em vẫn thấy thật may mắn khi có duyên với nghề. Hơn nữa, nghề công tác xã hội những năm gần đây đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhiều người biết đến hơn; sự quan tâm của các cấp, các ngành đến chế độ lương, phụ cấp của những người làm nghề công tác xã hội cũng là động lực để Hải và các anh em trong Đội tiếp tục gắn bó với nghề nghiệp của mình.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội 1: “Nhiệm vụ “gom” những người lang thang là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do địa bàn rộng, nhân lực mỏng, diễn biến hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều đối tượng có biểu hiện bảo kê chăn dắt…

Những năm qua, cán bộ nhân viên Đội luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, vất vả ngày đêm nắng mưa để đi kiểm tra, rà soát, phát hiện và tập trung người lang thang. Đội luôn bám sát kế hoạch được phân công, bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin về đối tượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Đội đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác như công an thành phố, các phòng lao động các quận, huyện, các phường xã thị trấn trên địa bàn được phân công để làm tốt chức năng, nhiệm vụ.

Kết quả, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đội trưởng Nguyễn Văn Hải, Đội trật tự xã hội lưu động luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Sự hoạt động có hiệu quả của Đội đã góp phần giảm dần tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên đường phố.

Riêng Đội trưởng Nguyễn Văn Hải, với những thành tích đã đạt được, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2016, Đội trưởng Nguyễn Văn Hải vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội".


Kim Thanh
TAG: Đội đặc nhiệm chống ăn xin Đội trưởng Đội đặc nhiệm chống ăn xin Trung tâm Bảo trợ Xã hội I xã Dục Tú huyện Đông Anh TP Hà Nội bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công