Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Chung tay cải thiện các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới
08:50 AM 22/06/2022
(LĐXH)- Ngày 21/6 tại Vĩnh Phúc, đã diễn ra hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Chương trình chung Gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và cam kết tiếp tục chung tay cải thiện các dịch vụ này tốt hơn trong thời gian tới.
Sự kiện thu hút hơn 80 đại biểu đến từ các Cơ quan Liên Hợp Quốc, các Bộ, ban ngành, đại diện một số tỉnh, thành phố, các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế, các tổ chức xã hội. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo
Gói dịch vụ thiết yếu (Gói DVTY) là chương trình Chung toàn cầu giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Tại Việt Nam, chương trình có sự điều phối và tham gia chặt chẽ của 4 Cơ quan Liên hợp quốc – UN Women, UNFPA, WHO và UNODC cùng 6 bộ, ngành gồm Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) đã từng chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.
Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Chương trình Gói DVTY xác định các dịch vụ thiết yếu bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, hành pháp và tư pháp dành cho phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trên cơ sở giới.
Các bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác điều phối, quản trị và cung ứng các dịch vụ có chất lượng và cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gái. Đây là chương trình có quy mô toàn cầu được hỗ trợ bởi chính phủ Australia và Tây Ban Nha.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan Liên Hợp Quốc, sự phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thời gian qua, giúp chúng ta từng bước xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực ở Việt Nam. Đây cũng được xem là bước thử nghiệm thực tiễn để đúc rút kinh nghiệm cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật ở lĩnh vực này”.
Cũng tại Hội nghị, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam hy vọng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ đầu tư nhiều hơn nữa nguồn lực cho các dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tất cả phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và là đối tác tin cậy trong hành trình xóa bỏ mọi hình thức bạo lực như đã đề ra trong Chương trình nghị sự về các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Các đại biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cũng như khó khăn, thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu có nhạy cảm giới cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới, đồng thời cam kết chung tay tiếp tục nâng cao năng lực, cải thiện các dịch vụ trong thời gian tới.
Chương trình chung Gói DVTY cho thấy sự điều phối nhịp nhàng, chặt chẽ của 4 cơ quan Liên Hợp Quốc và 6 bộ, ngành tại Việt Nam với mục đích chung là đem lại dịch vụ chất lượng, thân thiện và kịp thời cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
Những kết quả chính của Chương trình Gói DVTY từ 2017-2022:
• 30 khóa tập huấn với gần 6.500 lượt cán bộ quản lý nhà nước, người cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực theo nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm.
• Gần 60.000 tài liệu, bộ công cụ, tờ rơi hướng dẫn các nội dung liên quan tới Gói DVYT được chuẩn hóa, phát triển và phát hành trên toàn quốc.
• Phát triển và thí điểm thành công Gói DVTY tại địa phương:
- Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm các đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhau được thành lập tại các huyện của tỉnh Bến Tre, trở thành mô hình tiêu biểu trên toàn quốc
- Tài liệu hướng dẫn Quy trình cung cấp dịch vụ xã hội, tiêu chuẩn tổi thiểu nhà tạm lánh và hướng dẫn vận hành đường dây nóng hỗ trợ người bị bạo lực được xây dựng và áp dụng thí điểm.
- Bước đầu thí điểm Kế hoạch điều phối, quản trị dịch vụ tại Bến Tre và nâng cao dịch vụ xã hội ở Hòa Bình
• Có sự đồng thuận cao của các cơ quan chính phủ và LHQ về tầm quan trọng và hiệu quả mà gói DVTY đem lại. Việc triển khai Gói DVTY hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới 2021-2025 tại Việt Nam./.
Nguyễn Thìn
TAG: Gói dịch vụ thiết yếu Bạo lực giới bao
Tin khác
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực