Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Nam
04:31 PM 21/07/2020
LĐXH) - Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ ( 27/7/1947 – 27/7/2020), sáng ngày 21/7/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tới 73 thân nhân gia đình liệt sĩ, đại diện cho 580 Bằng Tổ quốc ghi công được trao nhân dịp Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị,  Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngàn,  lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam…

Phát biểu tại Lễ trao Bằng tổ quốc ghi công, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tich Hồ Chí Minh, 73 năm qua công tác chăm sóc người có công với cách mạng (NCC) đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về NCC từng bước được mở rộng, để cuộc sống của thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, NCC ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sỹ được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác dịnh danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Song đến nay, một số bộ phận nhỏ gia đình NCC hoàn cảnh còn khó khăn; nhiều đồng chí thương binh vẫn phải đối diện với những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời; còn nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin hay các liệt sĩ chưa được quy tập về đất mẹ, về với những đồng đội của mình đang yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt, nhiều trường hợp khác hy sinh đã mấy chục năm đến nay vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa được xem xét, xác nhận liệt sĩ, NCC. Đây là điều trăn trở và day dứt với chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và  Trưởng Ban dân vận Trương Thị  Mai trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ NCC nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, trên cơ sở tổng rà soát trên 28 ngàn hồ sơ theo Chỉ thị số 23/CT-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương đã xem xét giải quyết và có ý kiến kết luận đối với 6.722 hồ sơ ở cấp tỉnh, trong cơ quan công an, quân đội, trong đó đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ; công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện, các cơ quan chức năng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý với đối tượng; Những trường hợp được xác nhận đều được nhân dân đồng tình, không có phản ánh, thắc mắc khiếu nại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công

Phần đa các trường hợp công nhận liệt sĩ là những trường hợp đã hy sinh cách đây đã quá lâu, trong thời kỳ chống Pháp, cách đây 70 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ. Theo Bộ trưởng, nếu tính tuổi đời thì đến nay nhiều cụ đã trên 100 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 126 tuổi. Nhiều trường hợp bị địch bắt tra tấn tới chết trong tù nhưng không có bất cứ một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ. Hầu hết các cụ, các bác hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người dân tộc thiểu số, là những tính đồ tôn giáo,… Trong quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan chức năng đã xử lý căn bản và kết luận cụ thể về những vụ việc, hồ sơ rất phức tạo từ lâu chưa xử lý được nay đã được Chính phủ xem xét kết luận như trường hợp 20 chiến sĩ dân quân nam, nữ là những tín đồ của đạo Cao Đài yêu nước nước, đã hy sinh trong trận chiến đấu chống thực dân Pháp đánh vào Thánh Thất Gồng Bốm (năm 1946), nay thuộc tỉnh Bạch Liêu và tỉnh Cà Mau hay 8 trường hợp đề nghị liệt sĩ tại Bắc Ninh, 14 trường hợp đề nghị liệt sĩ tại Hà Nội,… và ngay buổi sáng hôm qua 20/7/2020, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng đã làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam để họp bàn, xem xét cụ thể các trường hợp còn vướng mắc, chưa được xem xét liệt sĩ, qua đó đã có kết luận cụ thể 6 trường hợp, trong đó có 01 trường hợp sinh năm 1900 (130 tuổi) hy sinh trong thời kỳ chống Pháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngành LĐ-TB&XH đã tiếp nhận từ Hội Cựu Thanh niên xung phong để rà soát, xem xét 61 ngàn hồ sơ kê khai là bị thương, hy sinh thuộc lực lượng thanh niên xung phong. Qua công tác rà soát, đến nay đã sàng lọc còn gần 300 hồ sơ đề nghị liệt sĩ, bước đầu đã xác nhận 21 liệt sĩ, trong đó cơ 05 thanh niên xung phong tập kết ra Bắc tham gia phục vụ chiến đấu tại Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với tinh thần tập trung cao độ trong công tác này, cùng cách làm sáng tạo, có hệ thống, từng bước vững chắc và tính khoa học cao, cho đến ngày 10/7/2020, theo báo cáo của 36 địa phương và 02 Bộ, chỉ còn 275 hố sơ tồn đọng trên toàn quốc (115 liệt sĩ, 160 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh). Đặc biệt, đã có 22 địa phương không còn hồ sơ tồn động. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện cấp đổi, cấp mới trên 50 ngàn Bằng
Tổ quốc ghi công, đính chính thông tin và xác định danh tính thông qua giám định Gen, thực chứng đối với trên 100 ngàn danh tính liệt sĩ.

Chỉ riêng từ tháng 7/2019 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 580 liệt sĩ. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội xác nhận và cấp bằng tới đâu thì tổ chức trao ngay tới đó, không để thân nhân liệt sĩ phải chờ đợi. Ngay trong tháng 7/2020 này đã trình xác nhận 264 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và 35 tỉnh, thành phố. Trong đó có những trường hợp hy sinh cách đây 70 năm, trong đó, có những trường hợp bị địch bắt giam cầm và tra tấn dã man tại nhà tù nhưng hồ sơ bị thất lạc, nay mới xác định lại thông tin và công nhận liệt sĩ. 

“ Để có được kết qua như trên do có sự lãnh đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của đồng chí chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với trách nhiệm là người lãnh đạo cấp cao của Đảng, với tình cảm của nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Kết quả trên là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức, chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mang đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chức cứ dù là nhỏ nhất để họp bàn, xem xét, xác nhận,… ”: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn manh: Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, hàng triệu chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất mẹ, nhiều người trở về không còn lành lặn hoặc bị di chứng nặng nề của chiến tranh, nỗi đau chất độc da cam đã tác động sang đến thế hệ thứ 3 và vẫn còn đang hiện hữu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong suốt 73 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với nước với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về ưu đãi đối người có công với cách mạng, đồng thời thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với điều kiện của đất nước, bảo đảm thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi cho đối tượng thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó phủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ 

Bên cạnh đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” được toàn dân hưởng ứng thực hiện. Công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ được thực hiện với những nỗ lực cao nhất. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá cao trong những năm qua, Bộ LĐTB&XH đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc xem xét, xác nhận đối với người có công với cách mạng do còn vướng mắc một số thông tin chưa được công nhận. Qua 3 năm thực hiện (2017-2019), đến nay đã trình công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trong đó, có nhiều trường hợp đã hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như: Những đội viên du kích chống càn; những người bị tra tấn đến chết trong tù trong những năm 40, 50 của thế kỷ trước; những chiến sĩ thuộc các dân tộc thiểu số; những tín đồ tôn giáo đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Có thể nói, đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhiều hồ sơ không còn giấy tờ gốc nhưng với trách nhiệm và tình cảm, đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh và xã hội các cấp từ Trung ương tới địa phương đã nỗ lực hết sức để xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho đất nước, đồng thời biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng. Điều này thể hiện nghĩa tình sâu nặng, trách nhiệm cao cả, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh, vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, ngành LĐTB&XH, cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước về việc thực hiện chính sách ưu đãi xã hội, cần phát huy các kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trong đó, chuẩn bị thật tốt dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tới đây. Đồng thời, sớm xem xét, giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng, thực hiện ngày càng tốt hơn việc xác nhận đối với những người người có công với cách mạng, góp phần bù đắp những đau thương, mất mát của người có công và gia đình họ.

Nhân chuyến công tác, Chiều ngày 21/7/2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng và người có công đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Miền Trung và Trung tâm Điều Dưỡng người có công Đà Nẵng.

Thảo Nhi

 

TAG: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao bằng Tổ quốc ghi công thân nhân liệt sỹ tỉnh Quảng Nam
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024