Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Ninh: Nỗ lực đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội
09:11 AM 24/07/2019
(LĐXH) - Bám chắc những quan điểm, giải pháp lớn của Đảng và Nhà nước về tệ nạn ma túy, mại dâm, thời gian qua, Chi cục đã tích cực triển khai nhiệm vụ và qua từng giai đoạn, luôn điều chỉnh, đổi mới chính sách, giải pháp để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong giai đoạn 1994 – 1999, Chi cục từng bước xây dựng và hình thành hệ thống chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) và các Cơ sở chữa bệnh. Đồng thời, cụ thể hóa xây dựng các giải pháp, biện pháp PCTNXH theo Nghị quyết của Chính phủ, tích cực tổng kết thực tiễn để xây dựng các cơ chế chính sách về lĩnh vực này. Trong thời gian này, Chi cục đã giúp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tham mưu cho HĐND tỉnh Khóa IX, kỳ họp thứ 5 ban hành Nghị quyết số 1857/NQ-HĐ, ngày 02/8/1996 về phòng, chống các tệ nạn xã hội. Và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3299/QĐ-UB về thành lập Trung tâm cai nghiện ma túy Vạn Cảnh vào ngày 15/12/1998, cùng với quy định về cai nghiện cho những người mắc nghiện ma túy đang làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy định về đối tượng tự nguyện được xét duyệt vào cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện ma túy Vạn Cảnh. 

Bà Hà Thị Thanh Lê – Chi Cục trưởng Chi cục PCTNXH Quảng Ninh
phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hải Hà để nắm tình hình triển khai

cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Giai đoạn tiếp theo (2000-2005) đánh dấu chặng đường phát triển nhanh chóng của Chi cục và khẳng định vai trò quan trọng của đơn vị trong lĩnh vực tham mưu cho Sở, UBND tỉnh xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về lĩnh vực PCTNXH. Thực hiện Luật phòng, chống ma túy năm 2000, Chi cục PCTNXH đã tham mưu cho Sở báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/2003/NQ-HĐ, ngày 20/02/2003 tiếp tục thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khoá IX về PCTNXH, trong đó xác định những mục tiêu và các giải pháp nhiệm vụ về PCTNXH là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục có chiều rộng, chiều sâu để mọi người, mọi gia đình tổ chức xã hội, đoàn thể nhận thức sâu sắc, tác hại to lớn của tệ nạn xã hội để đấu tranh phòng, chống một cách cương quyết, hiệu quả. Thống nhất biện pháp chỉ đạo điều hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài nguồn kinh phí của Trung ương, hằng năm tỉnh dành 0,5-1% tổng chi ngân sách của tỉnh cho công tác PCTNXH; Nghị quyết số 14/2004/NQ-HĐ, ngày 19/7/2004 của HĐND tỉnh khoá XI kỳ họp thứ II về xây dựng cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai nghiện cho các đối tượng nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với chủ trương xây dựng Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh có quy mô từ 1.500 đến 2.000 đối tượng (nay là Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh), đáp ứng yêu cầu của công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai cho toàn bộ đối tượng nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Giai đoạn này cũng đánh dấu sự lớn mạnh, chuyển biến về số lượng và chất lượng của tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác PCTNXH của tỉnh. Toàn tỉnh có 14 cán bộ của 14 Phòng Tổ chức Lao động tại các huyện, thị xã, thành phố làm công tác PCTNXH; 59 cán bộ chuyên trách PCTNXH tại 59 xã, phường, thị trấn; 50 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội với nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật…chưa kể đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên phòng, chống tệ nạn xã hội cấp xã được trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cần thiết và lòng nhiệt huyết, trở thành lực lượng nòng cốt phòng, chống tệ nạn xã hội ở các địa phương.
Giai đoạn 2006 – 2010, Chi cục đã nghiên cứu những biện pháp cai nghiện ma túy linh hoạt hơn, tạo cơ hội để người nghiện được quyền lựa chọn, cai nghiện tự nguyện có thể ở gia đình, cộng đồng hoặc tại Trung tâm giáo dục Lao động Xã hội; cai nghiện bắt buộc được áp dụng tại cộng đồng hoặc tại Trung tâm giáo dục Lao động Xã hội nếu người nghiện không tự khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện. Cũng trong thời gian này, Chi cục đã tham mưu cho Sở báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 35/2006/QĐ-TTg, ngày 08/02/2006 về phê duyệt Đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy” tại Quảng Ninh. Theo đó, người nghiện sau khi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1-2 năm theo một trong hai hình thức là quản lý tại nơi cư trú hoặc quản lý tập trung tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao.
Trong giai đoạn này, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh được phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Từ 59 xã, phường, thị trấn được duy trì và xây dựng mới năm 2005, đã nâng lên 114 xã, phường, thị trấn vào năm 2010. Quảng Ninh được Bộ LĐTBXH đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu trong công tác xây dựng xã, phường lành mạnh trên cả nước.
Tháng 12/2006, Đội kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống mại dâm của tỉnh được thành lập. Với chức năng là thường trực Đội kiểm tra, hằng năm, Chi cục đã tham mưu cho Sở và Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại các địa bàn trọng điểm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, góp phần duy trì an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2011-2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội ban hành (năm 2012) là thời điểm quan trọng của công tác phòng, chống mại dâm cũng như đổi mới quan điểm về cai nghiện ma túy. Đối với công tác phòng, chống mại dâm, không còn thực hiện xử lý người mại dâm bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Mà thay vào đó là tăng cường công tác hỗ trợ giảm hại cho người mại dâm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, giúp họ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội ngoài cộng đồng. Chi cục đã nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những biện pháp quản lý, hỗ trợ phù hợp với tình hình mới, chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm (mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hoàn lương ổn định cuộc sông; Mô hình thực hiện kết hợp các biện pháp giảm hại về HIV/AIDS và hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm…) để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, khám, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp xã hội, hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững.
Trong thời gian này, Chi cục đã tham mưu cho Sở chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết: Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 về “chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2015 - 2020” trong đó người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm từ đủ 6 tháng trơ lên sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí gồm: Tiền ăn, tiền khám sàng lọc, xét nghiệm, tiền thuốc cắt cơn, tiền thuốc chữa bệnh thông thường, tiền sinh hoạt văn thể, tiền trang bị quần áo và đồ dùng sinh hoạt, tiền điện, nước sinh hoạt … với mức bằng mức chi cho người cai nghiện ma túy bắt buộc của Nhà nước; Nghị quyết số 213/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của HĐND tỉnh “về việc hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội giai đoạn 2015 - 2020” (trước đây là Nghị quyết số 39/2003/NQ-HĐ, ngày 20/02/2003), theo đó, hằng năm tỉnh dành tối thiểu 0,3% trong tổng chi thường xuyên từ ngân sách của tỉnh để nâng cao chất lượng công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội;

Tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên câu lạc bộ đồng đẳng tham gia mô hình thí điểm phòng chống mại dâm

Giai đoạn 2016-2019, công tác cai nghiện tiếp tục được thực hiện rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh theo Kế hoạch số 1977/KH-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thực hiện đổi tên Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh (Quyết định số 262/QĐ-UBND ngày 04/7/2017 của UBND tỉnh). Đồng thời, chuyển đổi hoạt động của Cơ sở từ chủ yếu cai nghiện bắt buộc thành cơ sở cai nghiện đa chức năng, trong đó chủ yếu là cai nghiện tự nguyện, tập trung tư vấn hỗ trợ người cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm; điều trị nghiện ma túy tổng hợp và điều trị cho phụ nữ, trẻ vị thành niên…
Năm 2018, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội đã tham mưu cho Sở báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 144/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 về quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết bao gồm: người cai nghiện ma túy tự nguyện, người cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, công an cấp huyện trực tiếp quản lý theo dõi công tác cai nghiện ma túy đều được hưởng hỗ trợ hằng tháng. Ngày 05/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2277/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án thí điểm cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là cơ chế, chính sách thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong công tác cai nghiện ma túy góp phần đạt mục tiêu, chỉ tiêu trong Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm cũng được chú trọng. Trong giai đoạn này, Chi cục đã tham mưu cho Sở trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2413/KH-UBND ngày 04/5/2016 về thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hằng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo các địa phương nắm chắc cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật đồng thời rà soát việc kiểm tra theo kế hoạch đảm bảo không chồng chéo giữa các cấp và tạo điều kiện để cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình 25 năm xây dựng và trưởng thành (7/1994 – 7/2019), với sự nỗ lực đoàn kết, thống nhất của các thế hệ cán bộ, công chức dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chi bộ, Lãnh đạo Chi cục PCTNXH, đơn vị liên tục nhiều năm liền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý./.
PV
TAG: Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Ninh: Nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội bao
Tin khác
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật