Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch COVID-19
03:04 PM 14/05/2022
(LĐXH)- Ngày 13/5/2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức Hội thảo Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trẻ em là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình, tương lai của dân tộc và là thế hệ kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh việc đánh giá các kết quả tích cực trong công tác trẻ em thời gian qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã thẳng thắn nêu ra nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đó là tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ; tình trạng trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo hành vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn, gây bức xúc trong xã hội.
Đặc biệt, đại dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế và đời sống xã hội, gây nguy hại đến sinh mạng, sức khỏe của nhân dân. Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm trong điều kiện mẹ mang thai bị mắc Covid-19, có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em trong tương lai.
Covid-19 đã khiến trẻ em đã phải tạm dừng đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài, học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập, tăng nguy cơ tỷ lệ bỏ học khi hết dịch, nhất là các em nhỏ, gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, nhưng lại làm tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng xã hội.
Trước thực tế trên, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung phân tích làm rõ nhưng khó khăn, hạn chế và thách thức của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19, đặc biệt xác định các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này trong thời gian tới; cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn để tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về việc Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, để trẻ em là người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã chia sẻ nhiều thông tin về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới toàn xã hội, đời sống của nhân dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, cả nước có gần 4.500 trẻ em mồ côi do Covid-19. Đại dịch còn tác động nhiều chiều đến trẻ em, đe dọa sự an toàn, tâm lý và sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ; làm gián đoạn trong học tập và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; hạn chế vui chơi, giải trí và tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nhiều mặt tới đời sống, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em. Trong đó có việc hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trẻ em mồ côi từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em mồ côi theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách về trẻ em, triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch COVID-19; tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch COVID-19; triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đó chú trọng triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em. Đặc biệt, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các văn bản của Ủy ban Quốc gia về trẻ em chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Toàn cảnh Hội thảo
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em...
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những tác động rất lớn trên toàn cầu. Bà hi vọng sẽ có sự tăng cường đầu tư các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em, từ đó mang lại những thay đổi tích cực cho trẻ em trong thời gian tới. Trong các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, bà Rana Flowers nhấn mạnh tới hệ thống trợ giúp xã hội, công tác giáo dục, y tế cũng như lực lượng tham gia công tác xã hội... 
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 với các nội dung liên quan đến trẻ em, đặc biệt là triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em; tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã thông qua mô hình "Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em"...
Trên cơ sở kết quả Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các ban, bộ ngành liên quan tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước những nhiệm vụ cụ thể, những giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, đặc biệt trẻ em thuộc các gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.../.
Thảo Lan
 
TAG: Chăm Sóc GIáo dục bảo vệ trẻ em đại dịch COVID-19 bao
Tin khác
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công
Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng
Bình Định: Thực hiện kịp thời, đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội
Cảm phục những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Yên Thế
Bình Định: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hải Dương: Triển khai đồng bộ chính sách lao động, người có công và xã hội
Quảng Nam: Tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng