An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Câu chuyện thành công của một số mô hình hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
11:06 AM 26/06/2020
(LĐXH) Với phương thức cầm tay chỉ việc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hỗ trợ các mô hình sinh kế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ của người dân, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của hàng trăm nghìn đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 tỉnh Tây Nguyên.
Nuôi bò ở buôn Lách Ló, xã Nam Kar, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắk.
Ông Ama Hoan hiện là trưởng nhóm nuôi bò cái sinh sản ở buôn Lách Ló. Buôn có 45 hộ, tất cả đều là hộ nghèo. Với mục tiêu là cùng đồng hành giúp người nghèo chủ động chọn phương án sản xuất khả thi để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến giảm nghèo, từ năm 2015 những cán bộ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã thường xuyên có mặt tại buôn để giúp bà con cách thức làm ăn, cùng bà con bình chọn ra 11 hộ hình thành nhóm phát triển sinh kế (gọi tắt là LEG). Qua thảo luận các phương án sản xuất, nhóm chọn mô hình nuôi bò cái sinh sản bởi đây là phương án hỗ trợ giảm nghèo phù hợp nhất với bà con nơi đây. Sau khi đã được dự án hỗ trợ làm chuồng, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, 11 hộ trong nhóm đã đích thân đi lựa chọn bò giống về nuôi. Đến nay, trong 11 con bò được dự án hỗ trợ đã có 9 con đẻ bê con, trong đó có vài con đã đẻ lứa thứ 2. Trong quá trình nuôi bà con khá yên tâm bởi có cán bộ hỗ trợ cộng đồng của dự án (gọi tắt là CF) có mặt thường xuyên hướng dẫn, đồng thời việc thường xuyên họp nhóm trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi đã giúp bà con vận dụng tốt các kiến thức kỹ thuật vào chăm sóc đàn bò.
Lách Ló đến nay vẫn là một trong những buôn nghèo nhất, khó khăn nhất ở huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk, song, sau gần 2 năm triển khai dự án, phát huy tính tự chủ của người, sự tận tâm, trách nhiệm của những cán bộ dự án, sự phát triển của đàn bò, niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn đang lớn dần lên trong mỗi hộ dân.
Sản xuất lúa lai giống mới ở thôn Bon Bu N’Drung, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông
Dự án sinh kế sản xuất lúa lai F1 ARIZE B-TE1được triển khai tại thôn Bon Bu N’Drung đối với 10 hộ dân thuộc các hộ gia đình dân tộc thiểu số tại chỗ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hộ đều có kinh nghiệm trồng lúa lâu năm nhưng năng suất trung bình các năm luôn ở mức thấp, thường là dưới 2,5 tạ/sào do bà con vẫn sử dụng những giống lúa cũ tại địa phương và thiếu kỹ thuật chăm sóc. Được sự hỗ trợ vốn và kỹ thuật  từ dự án Giảm nghèo Tây Nguyên,  năng suất lúa của các hộ được Dự án hỗ trợ tăng vượt trội, gấp 3 lần so với các năm, từ 3 tạ tăng lên 6 tạ/sào.
Không chỉ định hướng đưa giống lúa lai F1 ARIZE B-TE1 vào sản xuất, Dự án còn tích cực hỗ trợ người dân trong việc đầu tư sản xuất và nâng cao năng lực nhận thức. Theo đó, có một cán bộ chuyên môn thường xuyên tập huấn cho bà con về gieo sạ, theo dõi quá trình phát triển và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Dự án cũng hỗ trợ 40 triệu đồng giúp bà con mua sắm vật tư, phân bón… Mặc dù được áp dụng ở quy mô nhỏ nhưng phương pháp và kỹ thuật chăm sóc hợp lý đã biến giấc mơ về một vụ mùa bội thu của bà con trở thành hiện thực, trực tiếp cải thiện đời sống , đảm bảo lương thực trong suốt một năm cho những hộ dân nghèo tại đây. Từ đó, giúp họ vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống, mở đường vươn lên xóa đói giảm nghèo trong những mùa vụ tiếp theo, đồng thời giúp người dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất.
 
Gia đình chị Hồ Thị Hen, thôn 1, xã Trà Vinh, Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
thoát nghèo nhờ nuôi vịt Xiêm hỗ trợ dinh dưỡng
Nuôi gà ở thôn Đăk Kual, xã Đăk N’Drung, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông
Ông bà Tương năm nay đã 67 tuổi là một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo của thôn Đăk Kual, xã Đăk N’Drung,  huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông. Ông bà đã lớn tuổi nhưng vẫn phải lo bữa ăn hàng ngày.
Ông cho biết: “Tôi đã nhiều tuổi, không còn đủ sức để đi làm thuê nữa. Hai ông bà ở nhà phụ con trông các cháu. Con nó cho cái gì thì mừng cái nấy. Thấy có dự án giảm nghèo Tây Nguyên về hỗ trợ cho bà con trong thôn, vợ chồng tôi xin tham gia vào nhóm nuôi gà thịt. Từ trước tới nay chúng tôi cũng muốn chăn nuôi thêm để có đồng ra đồng vào nhưng gia cảnh khó khăn không có vốn để làm. Được sự hỗ trợ của dự án từ con giống đến cám, thuốc và kỹ thuật chăn nuôi gà, vợ chồng tôi tuy tuổi già nhưng vẫn chăm sóc được gà tốt, cứ 2 ngày tôi đi chặt thêm chuối về trộn với cám cho gà ăn. Mấy tháng sau, vợ chồng tôi bán được hơn chục triệu tiền gà, dành dụm được số tiền nho nhỏ để dành phòng lúc ốm đau, số ít thì mua lại gà để nuôi tiếp vừa cải thiện được bữa ăn lại vừa có tiền để dành. Vợ chồng tôi mừng lắm!”
Nuôi dê lai sinh sản ở Làng Chưp, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai
   Nhóm LEG nuôi dê lai sinh sản tại làng Chưp có 20 thành viên với 17 hộ nghèo và cận nghèo, 3 hộ khá và được chia làm 2 tổ, mỗi tổ 10 người. Nhóm triển khai thực hiện từ tháng 5 năm 2017  với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng, trong đó Ban quản lý dự án giảm nghèo huyện Mang Yang hỗ trợ 175 triệu đồng, số còn lại là vốn đối ứng từ các thành viên nhóm LEG. Sau khi làm chuồng, nhóm tự đi mua giống 44 con dê lai, trong đó có 04 con dê đực và 40 con dê cái về nuôi và được chia làm hai tổ, mỗi tổ 22 con. Hàng ngày, các thành viên trong tổ đều thay phiên nhau chăm sóc và cùng theo dõi tình hình dịch bệnh của đàn dê. Sau thời gian ngắn triển khai tiểu dự án, đàn dê sinh trưởng phát triển tốt, một số con đã sinh sản, dê con khỏe mạnh, chỉ trong khoảng từ 10 tháng đến một năm dê có thể xuất chuồng, trọng lượng trung bình khoảng 25kg một con, con to có thể lên 30kg. Đến nay, đàn dê đã tăng từ 22 con ban đầu mỗi tổ lên 37 con. Giá thành khoảng 110 -130 nghìn đồng/kg thịt dê như hiện nay là khá cao so với các vật nuôi khác mà lại không gặp nhiều rủi ro, đặc biệt nhu cầu cung cấp dê thịt rất lớn nên bà còn không phải  lo lắng về đầu ra. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê sinh sản có vốn đầu tư ít, nguồn thức ăn cũng sẵn có trong các hộ như cỏ, lá cây, phụ phẩm nông nghiệp, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của bà con, nhất là người dân tộc thiểu số, vừa nâng cao giá trị sản xuất, vừa góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi, thả rông gia súc của người dân tộc thiểu số ở địa phương,  góp phần tích cực giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.
Bà Đinh Thị Krót và mô hình nuôi dê sinh sản ở thôn Gò Ra, xã Sơn Thành,
huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi
Nuôi heo sinh sản thôn Kon Dóc, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi
Trước khi vào nhóm năm 2015, thu nhập của gia đình anh Phạm Văn Mến, một hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số Hrê  thôn Kon Dóc, xã Ba Trang có  tổng thu nhập gia đình với 03 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nước gieo trồng một vụ,  3 ha Keo thì phải ít nhất từ 4 đến 5 năm mới khai thác một lần và thả vài con vịt, con gà. Gia đình anh cứ đến tháng giáp hạt lại thiếu đói, vợ anh đang mang bầu đứa thứ 2 nhưng phải bươn mình đi làm Keo, làm rẫy, đứa đầu mới 3 tuổi thì bị suy dinh dưỡng.
Trước khi vào nhóm, anh rụt rè, ít giao tiếp, chẳng dám nghĩ, dám làm gì khác ngoài những tập quán sản xuất, chăn nuôi cũ kỹ tại địa phương. Sau khi gia nhập vào nhóm, được bầu làm Trưởng nhóm, anh dần trở nên cởi mở, năng động, mạnh dạn hơn. Sau khi heo sinh sản được 11 con, anh chủ động vay vốn ngân hàng chính sách xã hội mua thêm 1 heo giống về nuôi, mở rộng quy mô chuồng trại để chăm sóc heo con, từ đó nhân rộng đàn heo lên gần 20 con, nay anh đã là tấm gương cho cả nhóm và người dân trong làng học hỏi. Từ diện hộ nghèo (thu nhập chỉ 800.000 đồng/người/tháng), đến năm 2016, gia đình anh đã ra khỏi diện hộ nghèo với thu nhập bình quân 1.500.000 đồng/tháng.
Anh Mến tâm sự, những cách thức tổ chức sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, chọn con vật nuôi trong  Nhóm nuôi heo sinh sản là rất quý, nhưng quý nhất là những kiến thức đó đã góp phần then chốt làm thay đổi tập quán, tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của bản thân và bà con nhân dân địa phương trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, làm ăn, lẫn tổ chức đời sống. Từ nhận thức, tư duy mới đó, bà con dân làng và bản thân anh có cái nhìn mới, thoát khỏi tâm lý trông chờ ỷ lại, dám mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời biết làm cái gì cũng phải có phương pháp, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì mới mang lại hiệu quả.
 Trồng ngô ở thôn Đắk Chờ, xã Đắk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
 Giữa năm 2015, anh Công, cán bộ địa chính xã Đắk Ring và 02 cán bộ Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên tới thôn Đắk Chờ, xã Đắk Ring nhờ A Buồn tập hợp bà con để họp bàn về việc Dự án sẽ hỗ trợ bà con một loại hình sản xuất áp dụng theo cách làm mới. Theo đó, Dự án sẽ giúp đỡ bà con trong quá trình sản xuất chứ không cho không. Bà con chưa có kinh nghiệm trồng các loại cây khác thì trồng các loại cây truyền thống để tận dụng được kinh nghiệm sẵn có kết hợp với kỹ thuật mới nhằm tránh rủi ro và đảm bảo năng suất cây trồng.
Đầu năm 2016, nhóm được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô lai theo phương pháp mới (tập huấn về kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc cây theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, cách bón phân, cách nhận biết một số loại sâu bệnh thường gặp,..). Trong quá trình sản xuất, cán bộ dự án còn phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể thường xuyên giám sát, hỗ trợ bà con về kỹ thuật canh tác, phòng trừ một số loại bệnh trên cây trồng. Với sự nỗ lực của bà con và sự tận tình của cán bộ dự án mà trong năm 2016 toàn bộ các thành viên trong nhóm đã có một mùa ngô đạt năng suất cao hơn hẳn các năm trước, nhiều hộ đạt hơn 2 tấn/sào, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con./.

 Đặng Thị Thảo Lan

TAG: mô hình hỗ trợ giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tây Nguyên Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công