An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cao Bằng: Phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
05:23 PM 05/01/2021
Với nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư toàn diện vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, cùng các chính sách đặc thù vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Cao Bằng có những chuyển biến rõ rệt với sự bứt phá vươn lên.
Cuộc sống đồng bào xóm Thang Sặp, xã Cao Chương (Trùng Khánh) có nhiều đổi thay.
Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Nông Văn Thông cho biết: Quảng Hòa có 126 hộ đồng bào Mông, trong đó xóm Lũng Đắc có 15 hộ. Trước đây, người dân xóm Lũng Đắc sống rải rác ở trên các sườn núi, trong thung lũng, việc đi lại, sinh hoạt khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Nhằm giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, huyện thực hiện Dự án khu hạ sơn xóm Lũng Đắc.
Trước tiên, huyện tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc hạ sơn; vận động bà con xóm gần khu hạ sơn hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa xóm và khu hạ sơn trên diện tích 4.000 m2 đất. Từ nguồn vốn của các chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS, huyện đầu tư 2,5 tỷ đồng thực hiện dự án. Đầu năm 2017, dự án hoàn thành, 15 hộ dân xóm Lũng Đắc được hạ sơn ở trong những ngôi nhà mới với diện tích 75 m2/nhà, mỗi nhà có nhà bếp riêng rộng 50 m2, có công trình phụ, vườn quanh nhà. Đến nay, khu hạ sơn Lũng Đắc đã thực sự thay đổi.
Với bà con thôn Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An) ai cũng biết gia đình chị Ngọc Thị Duyên trước đây rất khó khăn do chồng mất sớm, các con còn nhỏ. Mấy năm gần đây, được các cấp, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định. Chị Duyên cho biết: Qua các kênh hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể về tập huấn khoa học kỹ thuật, vốn vay, tôi mạnh dạn vay hơn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và nuôi gà, trung bình mỗi năm thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách ưu đãi vốn tín dụng... góp phần làm thay đổi vùng miền núi, DTTS của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm  3,9%/năm; 98,17% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 99,4% là người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
100% đường trục liên xã được thông tuyến; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 40%, trong đó đào tạo nghề đạt trên 31%; trên 89% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 90,89% hộ sử dụng điện; trên 93% hộ được xem Đài Truyền hình Việt Nam…
Tiếp tục phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi bền vững
Chị Ngọc Thị Duyên chăm sóc đàn lợn.
Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ các vùng DTTS xây dựng hàng nghìn công trình điện, đường, trường, trạm, làm cho bộ mặt nông thôn thật sự khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2004 - 2019, Chương trình 135 đầu tư trên 267 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; đầu tư trên 1.074 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng; hơn 135,5 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ.
Hơn 75,5 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 120/QĐ-TTg. Ngoài ra, một số chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS như: Quyết định số 2085/QĐ-TTg đầu tư 564,6 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà ở, bể, lu chứa nước sinh hoạt, hỗ trợ cây, con giống…; trên 78 tỷ đồng cho 9.778 hộ đồng bào DTTS vay vốn phát triển sản xuất…
Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần xã, xóm đặc biệt khó khăn, trong thời gian tới, tỉnh quan tâm thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tổng nguồn kinh phí cho chương trình hơn 104.000 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành một nghị quyết tổng thể về phát triển vùng DTTS và miền núi nhằm tập trung tạo nguồn lực đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán. Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 đã đề ra những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết một số hạn chế, bất cập hiện nay. Trong đó có việc quyết định chính sách đi liền với quyết định ngân sách; thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng, đây thực sự là cơ hội lớn cho vùng miền núi, DTTS phát triển. Hiện nay, tỉnh ta đang triển khai tuyên truyền sâu rộng 2 nghị quyết này đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các ban, ngành, địa phương tập trung khảo sát, đánh giá, đăng ký nhu cầu đầu tư, hỗ trợ, làm rõ các phần việc của Nhà nước, của người dân cần phải làm gì để xây dựng các kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện nghị quyết từ năm 2021./.
Minh Hòa
TAG: dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng Giảm nghèo
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin