Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Cần tiếp tục xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Việt Nam
09:16 AM 17/02/2018
Xã hội hóa công tác thực hiện quyền trẻ em có thể được hiểu là sự vận động và kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội nhằm thực hiện quyền của trẻ em; mở rộng sự tham gia của các chủ thể xã hội với nhiều phương thức để vừa phát huy tiềm năng trí tuệ, vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho trẻ em, vừa tạo điều kiện mở rộng đối tượng thụ hưởng dịch vụ, đặc biệt là trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đại hội Đảng VIII đưa ra chủ trương: “Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hoá. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”. Nghị quyết Đại hội Đảng IX Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng đã khẳng định: “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hộiNhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, đặc biệt là cho những vùng nghèo, người nghèo, bảo đảm những dịch vụ cơ bản cho nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, vận dụng hợp lý những mặt tích cực của cơ chế thị trường”. Các nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hóa chủ yếu gồm: 1) Nhà nước đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới phương thức cơ cấu đầu tư; 2) Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ; 3) Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình dân lập và tư nhân; 4) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra. Như vậy theo tinh thần các văn kiện của Đảng và Nhà nước, xã hội hoá chính là huy động nguồn lực từ trong nhân dân và sự tham gia của người dân vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo các dịch vụ công cơ bản cho người dân.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan với đại diện trẻ em tại Diễn đàn Trẻ em Quốc gia năm 2017

Trẻ em có vai trò quan trọng đối với gia đình và xã hội, sự phát triển của trẻ em có ý nghĩa quan trọng với tương lai của đất nước. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đã rất quan tâm đến công tác trẻ em. Các quy định về quyền trẻ em đã được luật hóa trong Hiến pháp năm 2013 và Luật trẻ em năm 2016 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Xã hội hoá công tác thực hiện quyền trẻ em có thể được hiểu là sự vận động và kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội nhằm thực hiện quyền  của trẻ em; mở rộng sự tham gia của các chủ thể xã hội với nhiều phương thức để vừa phát huy tiềm năng trí tuệ, vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho trẻ em, vừa tạo điều kiện mở rộng đối tượng thụ hưởng dịch vụ, đặc biệt là trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Thực hiện tinh thần đó của Nhà nước, Luật trẻ em năm 2016 đã có rất nhiều đổi mới và thể hiện thông suốt chủ trương xã hội hóa công tác thực hiện quyền trẻ em trong các điều của Luật. Nhà nước đang dần tạo cơ chế và điều kiện để việc tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ khác bằng cách nới rộng quy định của pháp luật nhằm khuyến khích tư nhân tham gia như một cách để mở rộng xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm huy động tối đa nguồn lực từ nhân dân. Trong Luật trẻ em, nhiều nội dung quy định khuyến khích xã hội hóa cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, vui chơi và giải trí. Điều 55 quy định “1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật...2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tổ chức theo loại hình cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập.”; Điều 42, khoản 2 quy định “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.”; Điều 43, khoản 7 có quy định “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.”; Điều 44, khoản 5 quy định “...; khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư khác để phát triển giáo dục, đào tạo”; Điều 45, khoản 4 quy định “Nhà nước khuyến khích tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia ủng hộ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí; khuyến khích sáng tạo, sản xuất đồ chơi cho trẻ em ...”.
Trong công tác thực hiện quyền trẻ em, việc xã hội hóa cũng được thể hiện khá rõ theo quy định của Luật trẻ em trong việc quy định chăm sóc thay thế. Chăm sóc thay thế là một hình thức huy động xã hội để chăm sóc một số trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Điều 62) và được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể theo các hình thức (chăm sóc thay thế bởi người thân thích; Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích; Chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi; Chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội) (Điều 61).
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về xã hội hóa công tác thực hiện quyền trẻ em
Được sự cho phép của Nhà nước, Quỹ Bảo trợ trẻ em là tổ chức được thành lập “nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được Nhà nước ưu tiên”. Phát huy hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, Quỹ bảo trợ luôn được đổi mới hình thức, nội dung vận động, hoạt động của Quỹ. Đến nay, trên 3.000 xã, phường đã có Quỹ Bảo trợ trẻ em. Năm 2017, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được hơn 79 tỷ đồng (đạt 112% so với kế hoạch năm, có 35 đơn vị, cá nhân tài trợ truyền thống và 60 đơn vị tài trợ mới). Hoạt động hỗ trợ trẻ em được triển khai trong toàn quốc và đã hỗ trợ cho 106.400 lượt trẻ em (đạt 177,3 % kế hoạch năm) gồm khảo sát khám phân loại cho 7.480 lượt trẻ em, phẫu thuật và điều trị bệnh tim cho 72 lượt trẻ em, phẫu thuật mắt cho 406 lượt trẻ em, phẫu thuật dị tật cho 37 lượt trẻ em, phẫu thuật nụ cười cho 967 lượt trẻ em, xây dựng được 10 công trình nước sạch cho khoảng 500 em hưởng lợi, hỗ trợ sữa cho 23.684 trẻ em, trao 9.037 suất học bổng cho trẻ em, thực hiện bảo trợ dài hạn cho 147 lượt trẻ em, hỗ trợ dụng cụ học tập cho 5.780 trẻ em, cấp xe đạp cho 5.553 trẻ em, cấp xe lăn cho 627 trẻ em, hỗ trợ cho 110 trẻ em tự kỷ, hỗ trợ đột xuất cho 1.728 trẻ em, hỗ trợ 15 điểm vui chơi giải trí cho khoảng 627 em hưởng lợi, hỗ trợ 01 phòng vui chơi cho bệnh nhi tại khoa Ung bướu Bệnh viện nhi Trung ương, thực hiện 04 công trình cải tạo lớp học, nhà nội trú cho 45.396 trẻ em hưởng lợi, tổ chức các sự kiện cho khoảng 2.615 em hưởng lợi. 
Đặc biệt năm 2017, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã chú trọng việc xây dựng các đề xuất dự án, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ trẻ em theo hướng dài hạn, bền vững như xây dựng mô hình Dự án Hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ em dân tộc, triển khai thực hiện Hỗ trợ trẻ em lang thang và nguy cơ bỏ học đi lang thang, thực hiện Dự án Ánh mắt trẻ thơ 2017 cho trẻ em một số trường tiểu học, hỗ trợ sữa học đường cho trẻ em một số trường học, triển khai Dự án Thư viện đồ chơi hy vọng cho trẻ em là con công nhân nghèo, trẻ em có điều kiện khó khăn ít được tiếp xúc với các dịch vụ vui chơi, giải trí; ...
        Đến nay, Nhà nước không chỉ tạo điều kiện pháp lý để đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác trẻ em bằng việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em mà còn tăng cường vai trò giám sát, phản biện của xã hội đối với việc đảm bảm thực hiện quyền trẻ em. Tại Điều 91, Luật trẻ em quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận có trách nhiệm “1. Giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ...; 2. Tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, ...; 5. Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngoài việc thực hiện quy định ...trẻ em thực hiện giám sát việc đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ em”. Tại Điều 92, Luật Trẻ em quy định các tổ chức xã hội có trách nhiệm “Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em”. Tại Điều 93, Luật Trẻ em quy định các tổ chức kinh tế có trách nhiệm “Đóng góp và vận động nguồn lực cho việc thực hiện quyền của trẻ em phù hợp với khả năng, điều kiện, mức độ phát triển của tổ chức”.
Tuy nhiên một thực tế hiện nay không thể phủ nhận là mặc dù hệ thống bảo vệ trẻ em và các dịch vụ khác từng bước nâng cao chất lượng, tăng cường về số lượng và đa dạng về loại hình nhưng hệ thống dịch vụ còn chưa đầy đủ, cấu trúc hệ thống dịch vụ còn thiếu tính đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa có sự quản lý và giám sát chặt chẽ; việc củng cố hệ thống dịch vụ ở ở cấp xã, huyện chưa thực sự được quan tâm dẫn đến việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đến được gia đình, cộng đồng dân cư, trường học và chưa liên tục, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ phòng ngừa (hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, thầy cô giáo và trẻ em) để tạo dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và quỹ bảo trợ trẻ em các cấp mới hỗ trợ được một phần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Con số 106.400 lượt trẻ em được các hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và một số lượng trẻ em được hưởng hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân theo Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp chỉ là con số rất nhỏ trong tổng số 26 triệu trẻ em của Việt Nam, trong đó có gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang cần được hưởng các nguồn hỗ trợ. Vì vậy xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn tới, trong đó cần chú ý tiếp tục:
Một, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, nhà trường, gia đình, các doanh nghiệp... đối với sự nghiệp trẻ em. Vận động toàn dân bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo ra môi trường xã hội an toàn, lành mạnh; phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội.                     
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xã hội hóa công tác thực hiện quyền trẻ em; quy định rõ ràng, cụ thể hơn về điều kiện, phương thức xã hội hóa công thực hiện quyền trẻ em nói chung cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động và đối tượng của cơ sở trợ giúp trẻ em và cơ sở bảo trợ xã hội nói riêng. Quy định rõ vị trí pháp lý của Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp và cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn Quỹ này ở địa phương. 
Ba là, phát huy vai trò, hoạt động của các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, các tổ chức của trẻ em như Đội thiếu niên tiền phong, câu lạc bộ quyền trẻ em… để vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em theo quy định của Luật trẻ em.
Bốn là, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện.
Năm là, phát triển các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, xây dựng nguồn lực, khả năng dựa trên tiềm năng sẵn có của gia đình/ họ hàng và cộng đồng để đảm bảo sự an toàn và an sinh cho trẻ em. Tập trung xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia thực hiện quyền trẻ em ở cấp cơ sở, tại khu dân cư; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng các điểm công tác xã hội với trẻ em ở cộng đồng, trường học, bệnh viện; văn phòng tư vấn công tác xã hội với trẻ em ở cấp huyện; trung tâm công tác xã hội với trẻ em ở cấp tỉnh.
 Sáu là, khai thác triệt để và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội cho công tác thực hiện quyền trẻ em. Cùng với việc tăng thêm và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, cần tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà hảo tâm cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, quy định cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính cung ứng cho dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
 Bảy, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp thực hiện quyền trẻ em; xây dựng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em... Vận động, thu hút các tổ chức quốc tế cùng phối hợp thực hiện, qua đó giúp cho tính bền vững của các hoạt động về trẻ em tốt hơn, hiệu quả hơn./.
Đào Hồng Lan
Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
 
TAG: Trẻ Em xã hội hóa Luật trẻ em Thứ trưởng Đào Hồng Lan bao
Tin khác
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia