Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Cần nhiều giải pháp đồng bộ phục hồi thị trường lao động
02:45 PM 17/01/2022
(LĐXH)- Nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn giải quyết nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới.
Nhiều quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Theo Tổng cục Thống kê, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ.... Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an sinh của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong ban hành những quyết sách kịp thời phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Các gói an sinh xã hội đã giúp người dân vượt qua khó khăn do đại dịch (ảnh minh họa)
Cùng với đó, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 đã phục hồi mạnh mẽ với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,22%, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP chung của năm 2021 đạt 2,58%.
Theo các chuyên gia, các nghị quyết, nghị định, thông tư về tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người sử dụng lao động là quyết sách kịp thời, đúng lúc, có tác dụng hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước đại dịch.
Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ của các chính sách không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cùng với đó, giải pháp hỗ trợ không chỉ mang tính cấp thiết trong hiện tại, mà giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động.
Các chính sách rất thiết thực và phù hợp nêu trên không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh, mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững, vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch với các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, người dân được tiếp cận nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế.
Hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động
Khảo sát mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Hiện nhiều doanh nghiệp mới chỉ hoạt động với 50 - 60% lượng lao động so với trạng thái bình thường.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân người lao động, nên dù ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 nhưng mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể. Các chuyên gia nhận định, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khi các doanh nghiệp hoạt động với công suất cao nhất trở lại thì nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ thể hiện rõ. Sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.
“Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ra 6 nhóm nhiệm vụ. Bao gồm, thứ nhất, nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.
Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Trong đó, chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm; chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm… Thứ ba, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Thứ tư, tổ chức kết nối cung - cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; chuẩn bị phương án huy động nguồn nhân lực như học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ.
Thứ năm, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định. Trong đó, bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cùng đó, xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý. Thứ sáu, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, kịp thời có phương án ngăn ngừa, giải quyết khi tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Để hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp với các chi phí sinh hoạt tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế, hỗ trợ bổ sung thêm chi phí cho người lao động đang nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai.
Đồng thời có phương án hỗ trợ sắp xếp nơi ở tạm thời hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà trong thời gian mới đến làm việc để ổn định cuộc sống, tạo động lực lao động tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh.
Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác để giữ chân người lao động; thực hiện các giải pháp hỗ trợ thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, để duy trì việc làm phục hồi thị trường lao động, cần xây dựng các ứng dụng thu thập thông tin cung - cầu lao động có kết nối với cơ sở dữ liệu chung của quốc gia như cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký thành lập doanh nghiệp và dữ liệu thuế để nắm bắt tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế của người lao động, từ đó có các chính sách ứng phó kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Cần tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và lao động; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ.
Cùng với đó, cần có các chế độ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người lao động yên tâm sản xuất. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp nhằm giữ chân lao động như chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động như trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương, áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để giữ chân lao động./.
Hồng Anh
TAG: thị trường lao động Việc Làm an sinh xã hội
Tin khác
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần
Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 người trong năm 2024
Tai nạn lao động khiến một công nhân khai thác mỏ hầm lò tử vong