Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Cảm phục tấm gương thầy giáo thương binh ở quận Long Biên
01:46 PM 15/10/2019
(LĐXH)- Là thương binh với thương tật 81%, ông Trần Quang Liệu (sinh năm 1954, tổ 19 Sài Đồng, Long Biên) vẫn đau đáu và quyết tâm thực hiện ước mơ được học tập và cống hiến. Với nỗ lực không ngừng, ông Liệu đã tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp và trở thành giáo viên dạy toán. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục truyền lửa, kèm cặp biết bao thế hệ học trò, nhiều người đã công thành danh toại.
Nhắc đến người thương binh “tàn nhưng không phế” ấy, ông Trần Xuân Rật, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Sài Đồng tấm tắc: “Ông Liệu là một trong những thương binh nặng ở phường. Dù vậy, ông vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội, đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện”.
Ông Liệu sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình. Năm 1971 khi vừa học xong lớp 10, nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, ông xung phong đi bộ đội. Ông được biên chế vào Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, đóng quân tại Yên Tử (Quảng Ninh).
Sau thời gian huấn luyện, cuối năm 1971 đơn vị ông được điều động vào chiến trường. Sau hơn 3 tháng hành quân, đầu năm 1972, ông vào tới chiến trường và được điều về Trung đoàn 21, nông trường 3 (Sư đoàn 3, Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ).
Thương binh nặng Trần Quang Liệu
Năm 1972, khói lửa chiến tranh bao trùm cả nước. Trong một trận chiến tại huyện Phù Mỹ (Bình Định), chiến sĩ Trần Quang Liệu bị một mảnh pháo găm vào nửa bên mặt.
“Khi tỉnh dậy, một nửa bên mặt của tôi không còn xương gò má, một mắt đã mất. Khuôn mặt hoàn toàn biến dạng. Đau đớn nhưng tôi nghĩ mình còn sống là may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã hy sinh”, ông Trần Quang Liệu bùi ngùi nhớ lại. 
Năm 1973, ông được đơn vị cho ra Bắc, về an dưỡng tại Đoàn 153, Thái Bình. “Đó là những chuỗi ngày rất buồn. Bản thân tôi không những không giúp được gì cho gia đình mà còn nhận ra sự tàn khốc của vết thương trên khuôn mặt. Trong lúc chán nản tôi nhận được thư của đồng đội mách đến Quân y viện 108 để chỉnh hình khuôn mặt. Tại đây, tôi đã được bác sĩ lấy lại phần nào khuôn mặt cho mình và cũng là nơi tôi gặp người vợ bây giờ”, ông Liệu tâm sự.
Năm 1974, ông được đưa đi phẫu thuật chỉnh hình và lắp mắt giả tại Quân y viện 108. Sau đó, Hội đồng y khoa đã giám định thương tật mức 81%, thương binh hạng 1/4 và được hưởng tiêu chuẩn có người nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông được chuyển về trại thương binh số 5 thuộc Ty Thương binh xã hội Hải Hưng.
Khi sức khỏe có chiều hướng hồi phục, ông suy nghĩ mình có thể đi học rồi làm một việc gì đó chứ không chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp thương tật và chế độ với người thương binh nặng.
Ông Liệu nhớ lại: “Lúc đó, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều, tôi bắt đầu suy nghĩ về tương lai sẽ làm gì. Không nhẽ, mình cứ loanh quanh ở đoàn an dưỡng và bệnh viện mãi. Trong khi, thời gian để chỉnh hình khuôn mặt kéo dài 4 - 5 năm với nhiều đợt”.
Nghĩ vậy, ông mượn sách, tự ôn và xin thi vào đại học. Vốn học rất giỏi môn toán, ông từng nhiều năm tham gia đội tuyển của tỉnh đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Vì thế, ông không mấy khó khăn khi thi đỗ khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp. Năm 1980, ông ra trường, được phân công về dạy toán tại Trường Kinh tế kỹ thuật Hải Hưng.
Năm 1989, ông xin về dạy tại trường cấp 1, 2 Xí nghiệp May 10; sau đó chuyển sang dạy tại trường Trung học cơ sở Thượng Thanh cho đến năm 2009 thì nghỉ hưu.
Dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhận dạy thêm cho các cháu tại nhà. Thời điểm đó, thị lực con mắt còn lại của ông suy giảm nhiều và được bác sĩ khuyên nghỉ dưỡng nhưng bất cứ đứa trẻ nào trong vùng gõ cửa, ông đều nhiệt huyết giảng dạy.
Ngoài việc giảng dạy, vợ chồng ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động từ thiện. Năm nào gia đình ông cũng đi trao quà tại các địa chỉ cần được giúp đỡ. Hàng ngày vợ chồng ông đi vận động các tổ chức, cá nhân, mọi người quyên góp về tài chính và hiện vật, thu nhận quần áo cũ về giặt, gấp đóng thành thùng và gửi tặng đến những nơi còn khó khăn.
Ông Liệu cũng là một trong những hội viên nhiệt tình nhất của chi hội Cựu chiến binh. Là thương binh nặng nhưng ông vẫn luôn yêu đời, say mê đàn hát; thường xuyên tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ văn nghệ, thơ của phường. Ông còn nhiệt tình sáng tác ca khúc theo các làn điệu dân ca chèo, quan họ. Nhiều sáng tác của ông được đội văn nghệ biểu diễn và giành một số giải cao tại địa phương. Ông cũng thường xuyên làm thơ và đăng trên các báo Trung ương cũng như báo ngành.
Dù cuộc sống còn khó khăn, vết thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời nhưng ông đã chọn cho mình hành trình sống lạc quan, cống hiến, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Người thương binh “tàn nhưng không phế” ấy đã góp phần bồi dưỡng, lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính giữa đời thường.
Trong mắt nhiều người, ông như một bông hoa thắm trong vườn hoa đẹp với những nghị lực phi thường trong mọi hoàn cảnh. Một người đáng kính, đáng học tập, một tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo./.
PV
TAG: thầy giáo thương binh bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công