Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Cách tiếp cận để xác định mức hợp lý lương tối thiểu ở Việt Nam: Vấn đề không đơn giản
08:28 AM 03/11/2017
Ngày nay trước xung đột về lợi ích giữa các bên và áp lực bảo vệ người lao động yếu thế nên ở nhiều quốc gia đã ban hành Luật tiền lương tối thiểu và giao cho Chính phủ quy định mức lương tối thiểu cho từng thời kỳ.
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam tuy chưa có Luật tiền lương tối thiểu riêng nhưng trong Bộ luật Lao động năm 1994, đặc biệt năm 2012 đã có một số điều quy định có tính nguyên tắc về vấn đề này và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và tổ chức thực hiện. Vì vậy vai trò xác định mức lương tối thiểu của Chính phủ là hết sức quan trọng, nhưng dựa trên căn cứ nào để cho quyết định mức lương tối thiểu của Chính phủ là hợp lý chính là vấn đề cần trao đổi.
Trước hết về căn cứ pháp lý, tại điều 91 của Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Căn cứ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền công trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Mục tiêu, tiêu chí xác định và phương thức xác định mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay về cơ bản phù hợp với các công ước của ILO
Với quy định nêu trên cho thấy về mục tiêu mức lương tối thiểu là phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu thiểu của người lao động và gia đình họ. Về tiêu chí xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu là nhu cầu sống tối thiểu; điều kiện kinh tế - xã hội( thường được xem xét trên một số tiêu chí như  GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng GDP, năng suất lao động, mức độ lạm phát được tính chủ yếu thông qua chỉ số giá tiêu dùng, mức sống dân cư, việc làm và thất nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ cạnh tranh quốc gia và một số tiêu chí khác nếu thấy cần thiết) và tiêu chí mức tiền công trên thị trường thường được xác định thông qua điều tra, thống kê mức tiền lương trung binh, mức tiền lương thấp nhất và đánh giá các vướng mắc khi thực hiện mức lương tối thiểu của năm trước. Về cơ chế xác định thông qua hoạt động đối thoại, thương lượng  giữa các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia.
Như vậy có thể thấy về mục tiêu, tiêu chí xác định và phương thức xác định mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay về cơ bản phù hợp với các công ước của Tổ chức lao động quốc tế( ILO) đó là công ước 131 năm 1970 về ấn định lương tối thiểu , đặc biệt đối với các nước đang phát triển và các tiêu chí xác dịnh mức lương tối thiểu nêu tại khuyến nghị số 135, tiếp thu kinh nghiệm hợp lý của một số nước vào điều kiện thực tế của Việt Nam. So với giai đoạn trước( quy định mức lương tối thiểu tại Điều 56, Bộ luật Lao động năm 1994) thì giai đoạn hiện nay cơ sở pháp lý, mục tiêu, tiêu chí và phương thức xác định mức lương tối thiểu là rõ ràng, đầy đủ và hợp lý hơn. Tất nhiên qua quá trình thực hiện chúng ta tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật để tao điểu kiện cho viêc xác định mức lương tối thiểu phù hợp bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi tăng việc làm, bảo đảm thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Thứ hai trên khía cạnh thực tiễn cho thấy các tiêu chí để xem xét, xác định mức lương tối thiểu những năm gần đây được xem xét đầy đủ, rõ ràng hơn; vai trò của tổ chức đại diện của các bên được nâng cao, tính thuyết phục lẫn nhau tăng lên là cơ sở tạo sự đồng thuận của các đối tượng thực thi và thụ hưởng chính sách cũng như dư luận chung trong xã hội. Nếu thống kê việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ năm 2008  trở lại đây cho thấy mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng dần hàng năm phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, đời sống của người lao động được bảo đảm và nâng dần, từng bước thực hiện được mục tiêu của tiền lương tối thiểu; môi trường đầu tư được bảo đảm, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tinh từ năm 2008 đến năm 2017 Chính phủ đã 10 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp, năm 2017 mức lương tối thiểu vùng bình quân là 3.138.000 tăng thêm 5,97 lần so với năm 2007( 450.000 đồng), mức tăng bình quân hàng năm là 18,52%( trong đó doạnh nghiệp trong nước tăng bình quân là 21,85%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,18%), tốc độ điều chỉnh đều cao hơn tốc độ  tăng trưởng kinh tế( GDP), tăng năng suất lao động và tốc độ tăng chỉ số giá( CPI), trong giai đoạn này GDP tăng bình quân khoảng 6,7%,  năng suất lao động tăng khoảng 3,9%, CPI tăng 10,7% nếu tính chỉ số  giá lương thực, thực phẩm thì tốc độ tăng bình quân khoảng gần 13%. Nếu so với mức lương tối  thiểu chung trước 2011 và mức lương cơ sở hiện nay của khu vực hành chính thì mức lương tối thiểu bình quân trong doạn nghiệp gấp 2,41 lần( 3,138 tr/1,3tr), tuy nhiên nếu so với nhu cầu sống tối thiểu thì mới đáp ứng được khoảng gần 90% nhu cầu theo cách tính của bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia tính theo mặt bằng năm 2011 và có điều chỉnh lại vào năm 2016. Như vậy tốc độ tăng lương tối thiểu trong giai đoạn vừa qua là khá cao nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn, bởi tác động  đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, như dệt may, da giày, chế biến thủy sản….
Thứ ba về cơ chế xác định, dựa trên tiêu chí nêu trên Hội đồng tiền lương quốc gia đối thoại thương lượng giữa các bên và tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu cho năm liền kề tiếp theo vào quý 4. Về cơ chế này đã tập hợp phân tích ý kiến, kiến nghị của các bên để tìm ra phương án điều chỉnh hài hòa mà cả người lao động và người sử dụng lao động chấp nhận được. Cơ chế xác định lương tối thiểu thông qua tư vấn của Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ chế rât tiến bộ. Tuy nhiên hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ quyết định rất nhiểu đến kết quả của đối thoại , thương lượng cũng như mức điều chỉnh  tiền lương tối thiểu để tư vấn cho Chính phủ. Qua hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia thời gian vừa qua cho thấy tiếng nói đồng thuận và chia sẻ còn rất khó khăn do cách tiếp cận của các bên còn khác nhau và đôi khi tạo ra căng thẳng trong đối thoại thương lượng ở mức độ không cần thiết.
 Đại diện cho người lao động luôn lấy tiêu chí lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ làm tiêu chí chính trong thương lượng. Với cách tiếp cận này mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu thường đề xuất rất cao. Phân tích đề xuất này cho thấy đây là mong muốn chung không chỉ của tổ chức đại diện cho người lao động mà chính của người lao động, của các cơ quan quản lý nhà nước, của người sử dụng lao động và nhìn rộng ra là mong muốn của Nhà nước. Đây cũng chính là mục tiêu của chính sách lương tối thiểu. Tuy nhiên trong kinh tế thị trường thì không chỉ nhấn mạnh đến nhu cầu mà phải xem xét đến khả năng  đáp ứng mong muốn ấy tức là khả năng chi trả của doanh nghiệp và rông hơn là điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mặt bằng tiền công trên thị trường, đây là những tiêu chí đã được quy định trong Bộ luật Lao động làm căn cứ để xác định mức điều chỉnh hàng năm. Do vậy ngoài việc điểu tra mức sống của người lao động cần phải đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh lương tối thiểu tới khả năng cạnh tranh cũng như mức độ chịu đựng của doanh nghiệp và môi trường đầu tư của nước ta, đặc biệt trong giai đoạn tới khi chúng ta hội nhập sâu rộng hơn về mặt kinh tế với khu vực và thế giới để đề xuất phương án sẽ hài hòa hơn.
Đối với đại diện cho người sử dụng lao động cách tiếp cận thường nhấn mạnh hơn đến khía cạnh khó khăn của doanh nghiệp, khả năng của doanh nghiệp và của nền kinh tế khi năng suất lao động còn tăng thấp, giá trị sáng tạo chưa cao và đặc biệt tỷ lệ lạm phát những năm gần đây thấp ( thực tế đều thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đặt ra). Điểm gặp nhau duy nhất giữa hai bên đều đồng thuận xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu nhưng khác nhau là tỷ lệ và lộ trình điều chỉnh hàng năm hay một số năm. Tuy nhiên cái thiếu của đại diện của người sử dụng lao động là chưa tập hợp hết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu với tỷ lệ cao và liên tục như thời gian vừa qua. Mặt khác cần dự bảo các khó khăn, thách thức trong thời gian tới để xác định mức độ, lộ trình điều chỉnh phù hợp.
Đối với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là bộ phận kỹ thuật cần tổng hợp, cung cấp nhiều thông tin hơn cvo các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiêp, người lao động và dư luận chung hiuhỉurox hơn các căn cứ, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng nhứ chuẩn bị các phương án điều chỉnh và đánh giá tác động của phương án. Các hoạt động của bộ phận kỹ thuật phải thường xuyên, sâu sát hơn và phải tập hợp nhiều hơn các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan cũng như những ngưof am hiểu, có kinh nghiệm và quan tâm đến vấn đề này. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước như vai điều chỉnh quá trình thương lương, tư vấn cho các bên các căn cứ, tính hợp lý của từng phương án và tốt nhất là không nên dùng quyền quyết định của mình về lựa chọn phướng án đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu khi hai bên chưa đạt được sự đồng thuận hoặc không tiếp tục thương lượnglượng. Vai trò thuyết phục của cơ quan quản lý nhà nước trong Hội đồng tiền lương quốc gia là hết sức quan trọng và là chỗ dựa của các bên trong quá trình thương lượng. Muốn vậy các thành viên phải phân tích đầy đủ các căn cứ điều chỉnh mối tương quan các tác động cũng như dự báo được tình hình khi thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu để đề xuất các biện pháp nhằm nhằm hạn chế các tác động không mong muốn đén doanh nghiệp, môi trường đầu tư và thị trường lao động.
Có thể thấy việc xác định mức điều chỉnh hợp lý mức lương tối thiểu hiện đang gặp thách thức do cách tiếp cận của các bên còn khác nhau nhưng nếu từng bên lắng nghe, chia sẻ thì việc thương lượng  sẽ tạo ra được sự đồng thuận trong Hội đồng tiền lương quốc gia cũng như dư luận chung. Tranh luận để tìm ra phương án phù hợp và hài hòa nhất chứ không phải tranh luận để tạo ra tiếng nói khác nhau, vì vậy vai trò của các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng hướng đến mục tiêu này./.
                                                                           TS. Phạm Minh Huân
                                      Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
TAG: lương tối thiểu Tiền Lương người lao động người sử dụng lao động
Tin khác
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế
Hội thảo 'Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam'
Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các cấp địa phương
Trách nhiệm của thanh niên khi tham gia không gian mạng
Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của người lao động
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới