Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Xây dựng thể chế là nhiệm vụ hàng đầu của ngành
06:23 PM 06/03/2020
(LĐXH)- Bộ xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm tạo ra khuôn khổ hành lang pháp lý trên cả ba lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Sáng 6/3, tại trụ sở Bộ đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác xây dựng thể chế năm 2020. Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Quân, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh; thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ; đại diện Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một số Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng công tác xây dựng thể chế là một trong những nội dung quan trọng, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Những năm qua, với nỗ lực và quyết tâm cao, việc xây dựng thể chế của Bộ đã đảm bảo về tiến độ, chất lượng ngày một nâng lên, tạo khuôn khổ hành lang pháp lý tương đối đồng bộ và toàn diện. Đặc biệt, nhiều loại hình, văn bản pháp luật đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, sự vào cuộc của đông đảo các cơ quan, đặc biệt là Bộ luật lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao, 90,006%.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và hoan nghênh công tác thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đã triển khai nhịp nhàng, hiệu quả. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, công tác xây dựng thể chế của Bộ còn nhiều vấn đề, từ nhận thức, thái dộ trách nhiệm đến tổ chức triển khai thực hiện.
Thông tin tại Hội nghị cho thấy, năm 2019 là năm đột phá về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành LĐTB&XH. Nổi bật là việc Quốc hội thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi), phê chuẩn gia nhập Công ước số 98, thông qua hồ sơ đề nghị Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ tịch nước ban hành Quyết định gia nhập Công ước 159 và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây đều là những dự án luật, pháp lệnh lớn, có tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng và có ảnh đến cả mặt kinh tế, chính trị và xã hội, góp phần thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo sự ổn định và phát triển xã hội.
Để chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản năm 2020, ngày 02/01/2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong đó đáng chú ý là trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 đối với dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); trình Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức; phối hợp với cơ quan thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, thông qua sẽ trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Nghị định, Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 7 Thông tư để quy định chi tiết Bộ luật lao động (sửa đổi); trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành định kỳ 30 nghị định, quyết định, đề án khác; ban hành theo thẩm quyền 16 thông tư; nghiên cứu, xây dựng 25 đề án trong chương trình dự bị.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2020 là năm kết thúc các chương trình, mục tiêu, chiến lược quốc gia cũng như các đề án thực hiện trong giai đoạn trước; chuẩn bị xây dựng, ban hành chương trình, mục tiêu cho giai đoạn đến năm 2025-2030 và những năm tiếp theo. Nếu không có một quyết tâm chính trị lớn, hành động nỗ lực cao hơn thì khó có thể đạt được mục tiêu.
Bộ trưởng lưu ý những vấn đề như: Chính sách tiền lương trong doanh nghiệp, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, cải cách tiền lương của người nghỉ hưu, tiêu chí giảm nghèo bền vững, định hướng phát triển ngành…
Bên cạnh đó, lĩnh vực giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025 phải tiếp cận được những tiêu chí, yêu cầu của hội nhập, những cam kết mà Việt Nam đã đặt ra trong Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tất cả các đơn vị phải hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng xây dựng thể chế. Cơ quan được giao nhiệm vụ ở lĩnh vực nào thì cơ quan đó chủ trì. Trong quá trình xây dựng văn bản phải chú ý đánh giá tác động, không chạy theo hình thức, đối phó, đặc biệt là vấn đề tương thích luật pháp trong nước và các công ước, cam kết quốc tế; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ; phát huy vai trò các chuyên gia trong và ngoài ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi xây dựng các văn bản pháp luật; tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc công tác xây dựng thể chế, đi liền với đó là rà soát các văn bản đang hiện hành.
Đảm bảo năm 2020 hoàn thành, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xây dựng thể chế và triển khai thể chế của ngành./.
PV
TAG: xây dựng thể chế an sinh xã hội
Tin khác
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh hợp tác nhân lực về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần
Tiếp tục phát huy và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì