Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi
11:33 AM 29/05/2019
(LĐXH)- Sáng nay (29/5), được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) để xin ý kiến và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp tới.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội nghe Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) 
Đây là một Luật quan trọng nhằm phát huy cao nhất sức lao động đồng thời đảm bảo cao nhất quyền lợi của người lao động nhằm đáp ứng với đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời phù hợp với đạo lý cũng như truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bộ luật Lao động hiện hành có nhiều bất cập, vướng mắc về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam... Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu với các yêu cầu nghĩa vụ chấp hành các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế. Chính vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cần thiết và phù hợp khi phải bổ sung, sửa đổi tới 171 điều trong tất cả các chương, giảm 21 điều so với Bộ luật hiện hành.
Đặc biệt, việc sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Dự thảo luật trình Quốc hội xin ý kiến vào sáu nhóm đề xuất trong Tờ trình, cụ thể:
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ
thông qua Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) 
Thứ nhất là mở rộng khung thoả thuận về làm thêm giờ tối đa. Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các nước và nhu cầu của người lao động, chủ doanh nghiệp, Bộ Lao động – TBXH đề xuất mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm (theo Bộ luật hiện hành) lên 400 giờ/năm (nếu được người lao động đồng ý, chủ doanh nghiệp trả lương đãi ngộ làm thêm giờ luỹ tiến, cao nhất tới 300% so với ngày thường và một số điều kiện bảo đảm sức khoẻ cho người lao động).
Thứ hai là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, có 2 phương án trình Quốc hội. Phương án 1 là từ 1/1/2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là từ 1/1/2021 tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Mục tiêu chung của việc điều chỉnh là tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu nam - nữ bằng nhau, nhưng trước mắt là lộ trình thu hẹp tuổi hưu nam - nữ để tránh tác động tiêu cực khi điều chỉnh quá nhiều tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần tránh gây sốc cho thị trường lao động, tác động tốt tới tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
Thứ ba, về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở để bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế, dự thảo có 3 điều quy định 3 nội dung lớn về quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức và tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức. Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể các nội dung trên bằng Nghị định.
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động 
Thứ tư, về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, ngoài phương án giữ nguyên như hiện hành (nghỉ 5 ngày, nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì được nghỉ bù vào tuần kế tiếp), Bộ bổ sung phương án nữa là nghỉ 5 ngày, nếu trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động không được nghỉ bù.
Thứ năm, đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7 dương lịch) để nhân dân, người lao động dành thời gian tham gia, tổ chức các hoạt động thiết thực tri ân các anh hùng, liệt sĩ và thân nhân.
Thứ sáu, đề nghị bổ sung vào Bộ luật Lao động giao Chính phủ quy định thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc dự kiến là 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ các bộ phận đặc biệt liên quan tới liên thông công việc và tiếp dân).
Chiều 29/5, các đại biểu Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)...

Chí Tâm

TAG: Quốc Hội Bộ Lao động - TBXH Bộ trưởng Đào Ngọc Dung Bộ luật Lao động sửa đổi
Tin khác
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần
Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 người trong năm 2024
Tai nạn lao động khiến một công nhân khai thác mỏ hầm lò tử vong