Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội
07:16 PM 06/06/2023
(LĐXH)- Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước cử tri cả nước về tình hình lao động, việc làm, công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội.
Đây là những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược của quốc gia, vừa liên quan trực tiếp đến đời sống, đến miếng ăn, giấc ngủ hằng ngày của hàng triệu người dân, của người lao động và lực lượng hưu trí cả nước.
Thời gian qua, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, sự thăng trầm của kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, những điều này đã tác động ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội nước ta. Tình hình trong nước đại dịch COVID-19 đã để lại những hậu quả nặng nề trong đời sống, cuộc sống hằng ngày của người dân. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ bão phức tạp, sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp thị trường lao động, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, việc làm.
Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết giữa nhiệm kỳ của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Hơn bao giờ hết, chúng ta đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của Nhân dân ta và tinh thần này được khơi dậy một cách mãnh liệt. Phương châm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng, xã hội được quan tâm, chỉ đạo đồng bộ trên quy mô cả nước”.
Quang cảnh phiên chất vấn
Chúng ta đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn để cơ bản đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đã triển khai nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả nhiều chính sách xã hội, trong đó có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ. Hơn 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã triển khai đồng bộ, nhanh chóng 4 nhóm chính sách lớn nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 với trên 120.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ 68 triệu lượt người dân, người lao động và trên 1,41 triệu người sử dụng lao động.
Công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ngày càng được các bậc cha mẹ, người học và xã hội quan tâm. Quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo được nâng lên, góp phần quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Bảo hiểm xã hội và công tác quản lý bảo hiểm xã hội ngày càng đi vào nề nếp, giữ vai trò trụ cột, quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội…
Tuy nhiên, khi đối mặt với khó khăn, thách thức rất lớn trong và ngoài nước, thời gian qua sản xuất, kinh doanh của chúng ta cũng đã và đang gặp phải không ít khó khăn. Vấn đề đời sống lao động, việc làm cũng nảy sinh nhiều vấn đề, hệ lụy phải đối mặt, một bộ phận người dân, người lao động đang gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Thời gian tới, chúng tôi nghĩ rằng đối với ngành Lao động - TBXH cũng phải tập trung dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động và thách thức mới về những vấn đề lao động, việc làm, đào tạo và bảo hiểm xã hội, những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Nguyên tắc chung của ngành đặt ra là cần nhìn xa, chủ động, sớm hành động, mau lẹ, ứng xử kịp thời với từng vấn đề.
Cần thay đổi nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi đối với người đứng đầu ngành Lao động – TBXH liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội.
Trong đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi về những chính sách, khi nào được thực hiện và bao giờ thì giáo dục nghề nghiệp mới là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân được học sinh lựa chọn chứ không phải là sự lựa chọn sau cùng khi không thi đỗ vào lớp 10, vào đại học?
Trà lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Nói về giáo dục nghề nghiệp như các vị đại biểu Quốc hội đã biết, đây là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã hoàn thiện toàn bộ cơ cấu hệ thống giáo dục và đây là một bậc cũng như là một sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và cũng là giáo dục đại học. Quốc hội gần đây cũng đã thông qua 3 luật, trong đó có liên quan đến lĩnh vực này, đó là Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Hiện nay, quy mô tuyển sinh của chúng ta đạt khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh và học nghề. Nếu như so lại cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm chúng ta khoảng được 500.000, như thế có thể thấy một sự tiến bộ rất rõ rệt và trong 2 triệu này thì khoảng 25% là trung cấp. Những năm trước đây thì thông thường chiếm 5 đến 10% là cao đẳng, nhưng hiện nay là khoảng 26% là cao đẳng.
Tuy nhiên, như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, giáo dục nghề nghiệp thực sự hiện nay cả về quy mô, cả về chất lượng cũng còn rất nhiều điều phải quan tâm. Quy mô thì chưa lớn, chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng còn những vấn đề mà cần phải tiếp tục đổi mới và cải thiện. Các hệ thống chính sách pháp luật, các chế độ, chính sách nhằm ưu đãi, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh vào các trường nghề cũng chưa được tiến hành nhiều.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hôi
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Có 3 vấn đề quan tâm, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp thì việc đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức xã hội. Ngay đại biểu cũng đã phát biểu và trong câu hỏi của mình cũng đã nêu rõ, phần đa số học sinh, sinh viên vào trường nghề hiện nay rơi vào mấy trường hợp sau đây:
Thứ nhất là số không có nhu cầu hoặc là khó có nhu cầu học lên cao.
Thứ hai là số này phần đông cũng là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, muốn đi học ngắn hơn để ra trường có việc làm ngay.
Thứ ba là bản thân cũng có nhu cầu nhất định, tất nhiên không phải tất cả đều là khó khăn, đều là yếu kém. Tuy nhiên, bức tranh như vậy, thời gian vừa qua thì chúng ta cũng có nhiều chính sách, ví dụ như chính sách khuyến khích đối với các em ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề là miễn phí hoàn toàn, các em học nghề ra thì được ưu tiên tìm việc. Số tiên tiến thì được đào tạo chương trình chất lượng cao, miễn chương trình chất lượng cao miễn phí, đặc biệt là chương trình đào tạo theo 34 bộ giáo trình của Úc.
Thứ tư là chúng ta có nhiều giải pháp để kết nối với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm ngay cho các cháu. Do đó, hiện nay phần đa các cháu ra trường khoảng 85% ở các trường nghề đều có việc làm. Đây là điều rất đáng mừng, xin báo cáo lại với đại biểu như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục để thực hiện một số giải pháp nhằm thu hút các cháu vào trường nghề.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Quan trọng nhất là tạo sự ủng hộ của các bậc cha mẹ và bản thân người học. Thứ hai là khi các cháu vào học, ra trường thì có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt. Thứ ba là các cháu sau khi ra trường mà có nhu cầu học lên, có khả năng học lên thì được học liên thông. Theo 3 hướng này, chúng tôi sẽ tạo điều kiện theo hướng đó để thiết kế các chính sách và đặc biệt là hỗ trợ chính sách cho sinh viên học nghề.
Nâng cao khả năng tinh thông nghề nghiệp
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum): Vấn đề lao động đã qua đào tạo là yếu tố quan trọng tạo ra năng suất lao động và tiêu chí đánh giá công nhận trình độ hiện nay chủ yếu là trên văn bằng chứng chỉ. Do vậy, chỉ số lao động qua đào tạo theo tỷ lệ phần trăm của nước ta chưa cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bộ phận lao động chưa qua đào tạo ở trường lớp nhưng vẫn là những người tạo ra năng suất lao động. Họ có những kỹ năng, kinh nghiệm làm việc có thể là do doanh nghiệp tự đào tạo hoặc là quá trình tự học thoại của họ, chỉ là hiện tại còn thiếu các công cụ để đánh giá công nhận họ. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này? Chúng ta có cần thiết xây dựng công cụ để đánh giá công nhận trình độ của bộ phận lao động này không? Nếu có thì xây dựng như thế nào?
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám nêu vấn đề rất xác đáng. Như ban đầu tôi báo cáo, tỷ lệ lao động của chúng ta qua đào tạo trên 70%, có chứng chỉ trên 26%, bây giờ đánh giá về chất lượng lao động như thế nào và câu hỏi này như thế nào? Trên thực tiễn, việc đào tạo có chứng chỉ mới là một nội dung, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động.
Trong thực tiễn nhiều người lao động không có bằng cấp, chứng chỉ nhưng có tay nghề rất cao, có khi cả đời chỉ làm một việc đó hoặc truyền nghề. Ví dụ như nghề đúc đồng ở Ý Yên của Nam Định, nhiều người không có một chút bằng cấp nào nhưng nếu thi tay nghề chắc chắn đạt cao, đây là vấn đề.  
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoàn toàn tán thành và thấy chúng ta cần phải có một cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, đầy đủ hơn và đầy đủ đối với vấn đề này. Nhưng có những trường hợp, chẳng hạn chúng tôi cũng suy nghĩ vấn đề này, tại sao những người có trình độ chuyên môn như vậy mà lại không tổ chức công nhận cho người ta chứng chỉ, bằng cấp vấn đề này. Vừa qua thì cũng báo cáo với Quốc hội, chúng tôi cũng giao việc này cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để phối hợp đề xuất vấn đề này và quan điểm của chúng tôi là cần phải có công cụ, cần có tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn được công nhận chứng chỉ, bằng cấp thời gian tới.
Thị trường lao động phát triển nhanh chóng
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu vấn đề chất vấn: Chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt đến 50%. Vậy, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên và đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực của nước ta mới tiến lên tiệm cận với các nước trong khu vực?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hà về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Hiện nay quy mô lao động của chúng ta ở độ tuổi từ 15 trở lên là khoảng 55 triệu người, cho đến quý I/2023 thì số người tham gia thị trường lao động của chúng ta từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người. Trong thị trường lao động này, thời gian vừa qua thị trường lao động của chúng ta nếu nhìn lại cả quá trình thị trường lao động Việt Nam cũng còn non trẻ. Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, kể cả sự phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, lao động kỹ năng của chúng ta còn thấp, số qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau thì trên 70% nhưng số có bằng cấp chứng chỉ thì hiện nay là 26,4% cho đến quý I năm nay thấp hay cao thì báo cáo lại thế này. Hiện nay các nước trên thế giới thông thường thì người ta không đánh giá theo chỉ số lao động qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ, phần đa là lấy căn cứ và tiêu chí có chứng chỉ, nếu nhìn lại thì chúng ta không phải là quá thấp, nhưng cũng thấp so với các nước phát triển. Đây là vấn đề cần phải quan tâm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Về cơ cấu về lực lượng lao động của chúng ta không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động kỹ năng thấp hơn, việc này chúng ta cần phải điều chỉnh trong thời gian tới. Trong thực tiễn, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam bao giờ cũng đặt 2 vấn đề: Thứ nhất là hạ tầng của chúng ta như thế nào. Thứ hai là nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng không. Thông thường các nhà đầu tư đặt vấn đề đó. Hạ tầng thì cả quá trình phát triển, nhưng băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay thường chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những ngành nghề ưu tiên mà gần đây chúng ta đang thiếu hụt.
Chính phủ vừa qua đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Tất cả những tiêu chí đó để tiến tới một vấn đề là hoàn toàn thị trường lao động của Việt Nam có thể hội nhập được với xu thế chung. Trong nghị quyết này đã nêu 9 nhóm giải pháp rất căn bản, từ việc tuyên truyền, từ nhận thức, từ xây dựng chính sách, từ việc triển khai tổ chức thực hiện và các nội dung liên quan. Vì không có thời gian nên tôi xin báo cáo lại trong Nghị quyết 06 đã đề cập 9 nhóm chính sách này tương đối rõ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) về tình trạng thiếu việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Thời gian vừa qua, tình trạng thiếu việc làm là có. Bình quân tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta hiện nay quý I/2023 là 2,25%. Nếu nhìn lại cách đây hơn 1 năm, tôi nhớ là ngày ngày 11/11/2021, cũng tại Diễn đàn này, khi đó Diễn đàn kinh tế thế giới xếp chúng ta vào nhóm tốp 5 về tỷ lệ thất nghiệp. Đến thời điểm này thì tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta có gia tăng hơn, cũng thay đổi về lực lượng lao động.
“Tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta 2,25% (quý I/2023), mà nếu so với thế giới thì tỷ lệ thất nghiệp này ở ngưỡng thuộc các quốc gia thấp. Ngày 26/5 vừa rồi, chúng tôi có những thống kê, có báo cáo chính thức số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc và cắt giảm, do cắt giảm đơn hàng cũng như các yếu tố khác thì khoảng 506 ngày, trong đó khoảng 270.000 số mất việc làm. Chúng tôi cho rằng tình trạng này có mấy nguyên nhân, nguyên nhân do cắt giảm đơn hàng, nguyên nhân do tái cơ cấu sản xuất, nguyên nhân thay đổi về lực lượng lao động” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trả lời chất vấn.
Giải pháp tránh rút bảo hiểm một lần
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) về hưởng bảo hiểm một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết:
Trước hết, thời gian vừa qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng. Chúng tôi xin báo cáo nội dung sau, đặc biệt là sau đại dịch COVID thì tình hình gia tăng nhiều hơn, nhất là năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Để giải quyết vấn đề này thì chúng ta sẽ phải tìm ra nguyên nhân và các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, theo câu hỏi của đại biểu thì hỏi quan điểm của Bộ trưởng có đồng ý thành lập quỹ này không? Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của của đại biểu. Tôi cho rằng, nếu thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động thì đây cũng là một trong những giải pháp. Bởi vì giải quyết việc để giảm và tiến tới không có chuyện rút bảo hiểm một lần thì đòi hỏi rất nhiều các giải pháp liên quan, đặc biệt là việc tạo công ăn việc làm, thu nhập đời sống phải tốt lên.
Thứ hai là phải điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Còn việc thành lập quỹ, nếu có thì cũng là một căn cứ. Chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này, bởi vì báo cáo các đại biểu là việc thành lập một quỹ nào đó, nhất là quỹ liên quan đến vấn đề lớn thế này thì phải có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, xem căn cứ như thế nào, hiệu quả ra sao và báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí là phải báo cáo Quốc hội cho phép. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này của đại biểu.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng việc trốn đóng bảo hiểm xã hội thì nguyên nhân như thế nào và triển khai ra sao? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Cho đến hết năm 2022 thì chúng ta hiện nay cả tình trạng chậm đóng, trốn đóng, cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỷ, so với năm 2021 tăng khoảng 2,69%, báo cáo lại như vậy, trong đó có khoảng 26.670 doanh nghiệp và đơn vị chậm đóng và cũng có một bộ phận trốn nóng nhưng phần đa là chậm đóng, do đó đã ảnh hưởng tới trên 206.000 người lao động. Thời gian vừa qua thì chúng tôi cũng đã phải điều chỉnh các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho 206.000 này. Cho đến nay thì cơ bản là số đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng bởi chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản. Nguyên nhân thì có mấy nguyên nhân, một là doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt thì có đơn vị cố tình chậm và trốn đóng.
Thứ hai là cơ quan quản lý bảo hiểm, tức là chưa quản lý hết đối tượng.
Thứ ba là quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả.
Thứ tư là ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.
Về vấn đề này, ngành Lao động – TBXH đã triển khai các biện pháp cụ thể, vừa qua chỉ đạo cho bảo hiểm xã hội thực hiện một nguyên tắc thế này, người lao động thu đến đâu thì chúng ta thực hiện chế độ, chính sách đến đó. Cũng có 1 giai đoạn, thí dụ như người lao động mất 2-3 năm bị ngắt quãng thì bảo hiểm không tính chế độ cho người lao động, chúng tôi không đồng ý chỗ đó, tạm thời ghi lại đến mức độ đó và tiếp tục giải quyết chính sách cho người lao động. Do đó, hiện nay 206.000 trường hợp này đã được giải quyết về chính sách, không còn điều gì vướng mắc, chỉ còn lại các khoản nợ thì chúng ta tiếp tục phải tính toán để làm sao người lao động không bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề nhất.
Thứ hai, tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm ở đơn vị mới nếu như chuyển đơn vị mới hoặc bảo lưu khi anh thôi tham gia.
Thứ ba, về căn cơ, về lâu dài, chúng tôi cho rằng phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay những nội dung này đã được nêu trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trình kỳ họp tới vào tháng 10.
Thứ tư, sẽ quy định bổ sung rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng. Trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự, nhưng khái niệm và phạm vi cũng không xác định rõ được. Do đó, hiện nay chưa xử lý được một trường hợp nào. Thí dụ như Thành phố Hồ Chí Minh, tới 84 đơn để chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được, vướng hành vi, chưa xác định rõ.
Thứ năm, sẽ áp dụng một số chế tài để trình với Quốc hội trong sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn và hiệu quả hơn như thông lệ quốc tế cho phép. Chẳng hạn người ta có thể dừng hóa đơn trong một thời gian, thậm chí có những quốc gia hoãn xuất cảnh cho những người sử dụng lao động mà không áp dụng, không thực hiện, không chấp hành nguyên tắc này. Quy định lại đối tượng và người được khởi kiện về bảo hiểm xã hội không áp dụng như hiện nay nữa, vì hiện nay thực hiện không có hiệu quả.
Về chủ hộ kinh doanh. Trong Báo cáo của Ban Dân nguyện tại phiên khai mạc Quốc hội đã nêu rất rõ, thời gian vừa qua thì cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai một tỷ lệ không nhỏ của chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng quy định đóng bảo hiểm bắt buộc, tôi xin báo cáo như vậy và việc thu sai này diễn ra suốt từ năm 2003 cho đến năm 2016. Chúng tôi cũng đã phát hiện chuyện này và đã chấn chỉnh bảo hiểm xã hội, về cơ bản thì đã được giải quyết. Báo cáo với Quốc hội, chúng tôi cũng vừa mới kết thúc 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này và vấn đề để chuẩn bị sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Về quan điểm của chúng tôi, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm. Do đó cần phải đánh giá một cách rất cụ thể. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của Bộ trưởng như đại biểu Ma Thị Thúy hỏi thì tôi cho rằng chúng ta phải đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì cơ quan công quyền phải xin lỗi và xử lý theo quy định, tinh thần như vậy. Còn hướng giải quyết thế nào? Bây giờ có 3 hướng để giải quyết.
Thứ nhất, chúng tôi cũng đang đề xuất và tới đây nếu được Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tinh thần như vậy.
Thứ hai là những trường hợp không muốn hoặc không có nhu cầu thì có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp xấu nhất mà cả người lao động lẫn cơ quan không đồng ý thì chúng ta phải thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động và tính lãi như thế nào thì chí ít cũng phải tính bằng tăng trưởng mà Quỹ bảo hiểm đã và đang sử dụng để tăng trưởng, theo hướng đó cho 3 trường hợp này. Tuy nhiên quan điểm của cá nhân tôi thì một lần nữa nói là phải đặt quyền lợi, lợi ích của người lao động lên hàng đầu và thứ hai là nên khuyến khích và điều chỉnh chính sách để chuyển sang bảo hiểm bắt buộc là tốt nhất cho người lao động để đảm bảo về già có lương hưu và có cuộc sống ổn định…

Trần Thắng

TAG: Quốc Hội khóa XV kỷ họp thứ 5 Bộ Lao động – TBXH Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung trả Lời chất Vấn bao
Tin khác
Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nghỉ 5 ngày Lễ 30/4 và 1/5
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh hợp tác nhân lực về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần