Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Viện Khoa học Lao động và Xã hội
09:28 PM 10/04/2018
(LĐXH) - Chiều 10/04/2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Lao động và Xã hội về công tác nghiên cứu khoa học của Viện nhân Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Lê Quân, Lê Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Theo báo cáo, trong năm 2017, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã triển khai nghiên cứu đồng thời trên cả 03 lĩnh vực: nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu triển khai, luôn cố  gắng tổ chức nghiên cứu đón đầu những vấn đề mới phát sinh liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Viện đã đề xuất trình bộ xây dựng và triển khai nghiên cứu 03 chương trình nghiên cứu cấp bộ; riêng Viện đã thực hiện 12/40 đề tài cấp bộ (chiếm 30%) và 16 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Công tác quản lý khoa học của Viện được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động khoa học công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu đã bám sát nhiệm vụ của ngành, cung cấp kịp thời cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, Viện còn hợp tác với các tổ chức quốc tế như ILO, GIZ, OECD, UNDP,… Ngoài ra, Viện đã phối hợp với các địa phương thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ thuộc chức năng quản lí của ngành LĐTBXH…

Xác định đào tạo cán bộ là vấn đề sống còn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã luôn khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ tham gia các khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn, trong và ngoài nước. Hàng năm, Viện chủ trì tổ chức bình quân 10 hội thảo quốc tế và 20 hội thảo, tọa đàm sinh hoạt, khoa học.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, bên cạnh việc Viện KHLĐXH báo cáo kết quả hoạt động với Bộ trưởng, đây cũng là cơ hội để đại diện các cơ quan, đơn vị trong Bộ chia sẻ, góp ý cho phương hướng hoạt động thời gian tới. “Viện đã thực sự là chỗ dựa tin cậy, đáp ứng kì vọng của lãnh đạo Bộ?  Nghiên cứu lí luận và ứng dụng thực tiễn đã phù hợp? Viện cần đổi mới gì trong công tác nghiên cứu…” – Đây là một vài câu hỏi định hướng mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Viện cũng như các đơn vị đối tác của Viện thẳng thắn nêu lên quan điểm.

Thứ trưởng Lê Quân góp ý về định hướng khoa học của Viện thời gian tới

Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo của khối nghiên cứu và khối hỗ trợ nghiên cứu của Viện đã thông tin về một số khó khăn bất cập trong quá trình hoạt động của Viện như: Công tác phối hợp về mặt số liệu với Tổng Cục Thống kê thường rất chậm dẫn đến độ trễ trong các báo cáo trình Bộ; dự báo thị trường lao động chưa được đầu tư dài hơi, chưa có đánh giá tác động xã hội rõ nét đối với một số chương trình, chính sách; các hoạt động tập huấn ở nước ngoài hiện đang giới hạn ở đối tượng là công chức, viên chức trong khi đó người lao động, cán bộ hợp đồng ở Viện khá đông…

Trên tinh thần cởi mở, đại diện của các đơn vị đồng nhất với những nội dung trong báo cáo hoạt động của Viện KHLĐXH và cũng đã có nhiều góp ý nhằm hoàn thiện định hướng hoạt động của Viện trong thời gian tới. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế khẳng định: Một sản phẩm khoa học phải đáp ứng được 03 yếu tố thông tin, cơ sở dữ liệu; phương pháp xử lí khoa học; tư duy khoa học. Do đó, để tăng cường năng lực của Viện cũng như nghiên cứu viên, nhất thiết phải tăng cường các yếu tố đó.

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Tới đây Tổng cục và Viện sẽ tiếp tục phối hợp tập trung ưu tiên đào tạo nghề gắn với việc làm và cung cầu trên thị trường lao động. Ông Dũng cũng góp ý Viện nên có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển hình thành các nhóm nghiên cứu chung trên cơ sở liên kết các trường, các Sở LĐTBXH, các cơ quan trực thuộc Bộ. Đồng thời, trong thời đại công nghệ số 4.0, Viện cần lưu ý chia sẻ số liệu, các kết quả nghiên cứu một cách rộng rãi. Đồng ý kiến, ông Đào Ngọc Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Bộ lưu ý đối với các báo cáo độc lập của Viện, liên quan đến đơn vị nào Viện cần tham vấn, chia sẻ với cán bộ chuyên môn để tránh một số bất lợi khách quan.

Các đại biểu đều đánh giá cao các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện KHLĐXH

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đóng góp thêm ý kiến: Viện KHLĐXH nên có các nghiên cứu về một số vấn đề dựa trên bằng chứng khoa học, có tính lý luận và sự đúc kết kinh nghiệm quốc tế. Trên thực tế, Viện đã có những điều tra, khảo sát hết sức hiệu quả, song các kết quả nghiên cứu khoa học thường khó nhìn thấy và khó sử dụng. Vì vậy, cần thiết có nhiều hoạt động để phản ảnh, giới thiệu các kết quả nghiên cứu một cách sâu rộng, có sự chắt lọc. Và để kịp thời đưa các kết quả nghiên cứu khoa học đến với cộng đồng, hoạt động truyền thông của Viện cần phải linh hoạt hơn để đi đến mục đích tạo sự đồng thuận về mặt chính sách trong xã hội. Các nghiên cứu khoa học cần phải nhanh nhạy phát hiện và có phương pháp tiếp cận vấn đề để đáp ứng nhu cầu của không chỉ đội ngũ chuyên gia, những người làm chính sách mà còn đến được gần hơn với người dân cả về số liệu, nhận định cũng như đưa ra các dự báo đón đầu.

TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học LĐXH ghi nhận những góp ý chân thành của các đại biểu cho hoạt động của Viện thời gian tới

Đại diện các đơn vị cũng đề nghị sự phối kết hợp giữa Viện đối với các đơn vị cần chặt chẽ hơn. Đơn cử, đại diện Vụ Pháp chế đề nghị Viện KHLĐXH cần các nghiên cứu hỗ trợ các đơn vị (như nghiên cứu về việc làm đối với trẻ em, tính giới trong lao động, chính sách bảo hiểm, nhu cầu việc làm...) không chỉ cung cấp các chứng cứ, luận điểm khoa học mà còn phải đáp ứng về mặt thực tiễn thông qua các điều tra, khảo sát. Đây là việc mà các đơn vị quản lý Nhà nước khó thực hiện do các điều kiện liên quan, nhất là thiếu đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, ngân sách cấp cho hoạt động nghiên cứu KHCN của ngành còn khiêm tốn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý và hoạch định chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần phát triển hệ thống lý luận khoa học lao động và xã hội; cung cấp các luận cứ khoa học để Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, luật pháp về lao động, người có công và xã hội đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong từng giai đoạn; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, công tác nghiên cứu khoa học của Viện đã có những bước phát triển vững chắc, khẳng định được vị trí của viện nghiên cứu duy nhất, đầu tàu của toàn ngành. Một số kết quả nghiên cứu của Viện mang dấu ấn quan trọng trong các giai đoạn phát triển của bộ, ngành như ban hành Bộ luật Lao động năm 1994 và các luật chuyên ngành sau này; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chương trình việc làm quốc gia, các chính sách về dịch vụ xã hội cơ bản, chính sách bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trước một số vấn đề xã hội nảy sinh, xu hướng già hóa dân số, biến đối khí hậu và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Viện thời gian tới sẽ rất nặng nề bởi nhiều vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được nghiên cứu, giải quyết một cách thấu đáo như: việc làm bền vững; đào tạo nhân lực, chuyển đổi việc làm và giải quyết việc làm dưới tác động của kỷ nguyên tự động hóa và số hóa; quan hệ lao động trong nền kinh tế chia sẻ; sinh kế và chuyển đổi sinh kế cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển hệ thống an sinh xã hội công bằng, bền vững, hỗ trợ hiệu quả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và thích ứng với xu hướng già hóa dân số, vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển.

Thực tế này đòi hỏi Viện Khoa học Lao động và Xã hội với tư cách là viện nghiên cứu đầu ngành về các chính sách lao động, người có công và xã hội cần nỗ lực hơn nữa, sớm khẳng định vị trí đầu tàu trong nghiên cứu khoa học; góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sự nghiệp lao động, người có công và xã hội. Bộ trưởng yêu cầu trong thời gian tới, Viện cần tập trung đổi mới một số vấn đề:

Một là, về chiến lược phát triển: Viện Khoa học Lao động và Xã hội phải sớm trở thành một trung tâm học thuật của Bộ, quy tụ sự tham gia và phát huy được trí tuệ tập thể của các nhà khoa học trong và ngoài ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phục vụ sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực về khoa học lao động và xã hội; công bố kịp thời các công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa, có giá trị thiết thực phục vụ xây dựng chính sách của Đảng và Nhà nước và xây dựng Chính phủ kiến tạo vì dân. Phối hợp chặt chẽ với các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan và viện nghiên cứu để xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về lĩnh vực lao động và xã hội giai đoạn 2020-2025.

Hai là,về định hướng nghiên cứu khoa học: Phải cân đối hài hòa giữa nghiên cứu lý luận và ứng dụng, tổng kết thực tiễn; gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, kết quả nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng. Trong đó, ưu tiên thực hiện các nghiên cứu về phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận, phương pháp luận về khoa học lao động và xã hội phù hợp với xu hướng tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là trong xây dựng các bộ công cụ và mô hình phân tích, đánh giá; chú trọng các nghiên cứu đón đầu, dự báo mang tầm chiến lược để giải quyết các vấn đề mới trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường các nghiên cứu phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, gồm các nghiên cứu tổng kết thực tiễn và nghiên cứu đánh giá chính sách, đặc biệt là nghiên cứu kiểm định và lượng hóa các tác động xã hội không chỉ đối với các chính sách thuộc lĩnh vực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội mà cả các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường khác, vì mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.

Ba là, về xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên: con người là nhân tố chính yếu nhất quyết định kết quả và chất lượng nghiên cứu khoa học, tương lai và sự phát triển của Viện. Do vậy, cùng với tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, thu hút sự tham gia, cống hiến của các nhà khoa học trong và ngoài ngành, yêu cầu đặt ra với từng cán bộ, nghiên cứu viên của Viện phải chủ động bổ sung kiến thức mới, rèn luyện phương pháp tư duy sáng tạo, không ngừng bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhìn nhận vấn đề theo quan điểm phát triển. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng và nâng cao trình độ ngoại ngữ để có điều kiện cập nhật và tiếp cận kịp thời những tri thức mới, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học lao động và xã hội trong bối cảnh khoa học, công nghệ thay đổi nhanh chóng. Đồng thời, Viện phải là địa chỉ cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cao cho Bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong sự nghiệp phát triển ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời kỳ mới.

Bốn là, về tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu: hướng đến trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học lao động và xã hội quy tụ được sự quan tâm và tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài ngành, cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện cần được trang bị hiện đại, hỗ trợ tối đa công tác nghiên cứu khoa học, triển khai thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, Viện phải tận dụng tối đa những tiến bộ và ưu việt của công nghệ thông tin vào việc hoàn thiện và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị, đặc biệt trong  thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu được chuẩn hóa phục vụ nghiên cứu các lĩnh vực của ngành; quảng bá và phổ biến thông tin khoa học lao động và xã hội.

Năm là, về hợp tác nghiên cứu khoa học: Viện cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước theo nhiều hình thức như liên kết nghiên cứu, hợp đồng dịch vụ tổ chức tư vấn/chuyên gia tư vấn độc lập. Chú trọng duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học lao động và xã hội để cập nhật những xu hướng tiến bộ của thế giới (phương pháp luận, công cụ nghiên cứu tiên tiến) gắn với tiếp thu có chọn lọc để tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học và phục vụ tốt sự nghiệp phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong thời kỳ mới.

Thực hiện đổi mới đồng bộ và hiệu quả những nội dung trên đây sẽ nâng cao được chất lượng nghiên cứu, đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn vào phát triển hệ thống lý luận khoa học lao động và xã hội, phục vụ tốt hơn công tác hoạch định chính sách và quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đó cũng là cơ sở để khẳng định vai trò và vị trí của Viện  Khoa học Lao động và Xã hội trong cộng đồng các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng lẵng hoa chúc mừng tập thể lãnh đạo Viện nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tặng lãng hoa tươi thắm cho tập thể lãnh đạo Viện nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (14/4/1978 - 14/4/2018). Được biết, trong dịp này, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhì do có những thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Đăng Doanh

TAG: nghiên cứu khoa học hoạch định chính sách Viện Khoa học Lao động và Xã hội Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Tin khác
Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nghỉ 5 ngày Lễ 30/4 và 1/5
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh hợp tác nhân lực về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần