Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khẩn trương đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động do dịch bệnh Covid-19
09:49 AM 26/03/2020
(LĐXHH)- Tại buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam chiều 25/3, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn chương đề xuất phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.
Cùng dự buổi làm việc còn có thứ trưởng Bộ lao động – TBXH Lê Quân; lãnh đạo Vụ Quan hệ lao động và Tiền lương, Vụ Bảo hiểm Xã hội, Cục Việc làm, Văn phòng Bộ…
Quang cảnh buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại trụ sở Bộ Lao động - TBXH
Ngành dệt may bị hủy, hoãn nhiều đơn hàng lớn
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.800 doanh nghiệp với 2,8 triệu lao động. Quy mô toàn ngành dệt may đang đạt khoảng 45 tỉ đô la, trong khi đó năng lực tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 5 tỉ đô la, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần nhanh chóng đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là những diễn biến mới tại Châu Âu và Mỹ - các thị trường lớn của ngành Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, giãn ca khiến đời sống của người lao động càng khó khăn hơn.
“Trong 2 tháng đầu năm, các công ty may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc, bước sang tháng 3 chuẩn bị sản xuất bình thường trở lại thì các đơn hàng từ Mỹ thông báo tạm dừng, hoãn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 lan mạnh tại Mỹ và trên thế giới. Thị trường Mỹ đóng cửa và nhiều khách hàng lớn đã báo huỷ, hoãn việc thực hiện hợp đồng do dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ăn việc làm của người lao động ngành dệt may” - ông Lê Tiến Trường, trao đổi.
Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ với những khó khăn của ngành Dệt may Việt Nam
Nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đề xuất Bộ Lao động -TBXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 được tạm dừng đóng BHXH, BHTN và một số loại quỹ để dành nguồn lực hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.
Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị là được tạm dừng đóng BHXH đến tháng 6/2020 cho cả người lao động và người sử dụng lao động; tạm dừng đóng các khoản hưu trí, tử tuất. Trong trường hợp dừng đóng BHXH, Chính phủ nên tính theo tỉ lệ thiệt hại chứ không bắt buộc ở mức 50% mới áp dụng; việc dùng Quỹ BHTN chi hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc trả lương ngừng việc cho người lao động theo tỉ lệ Quỹ chi 50% và doanh nghiệp chi phần còn lại; đồng thời bổ sung thêm nguồn chi lương cho người lao động ngừng việc do dịch bệnh Covid-19...
Hỗ trợ kịp thời nhưng vẫn bảo toàn Quỹ BHXH
Trước những khó khăn chung của các tập đoàn, doanh nghiệp do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và những kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị chức năng của Bộ phải khẩn trương đề xuất chính sách, phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đứng vững, tiết kiệm được nguồn tiền hỗ trợ, giữ chân người lao động trong giai đoạn khó khăn này. Tinh thần là nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp nhưng cần bảo toàn Quỹ BHXH.
“Ngành dệt may đang thu hút tới 2,8 triệu người lao động làm việc. Chưa kể sau họ còn có nhiều triệu người thân trong gia đình. Bởi vậy, những khó khăn của lao động ngành may tác động lớn tới xã hội” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận định.
Do dịch bệnh Covid-19, công nhân ngành Dệt may đang gặp nhiều khó khăn
Về việc dừng đóng toàn bộ Quỹ BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Cần nghiên cứu kỹ tác động vì Quỹ BHXH có nhiều thành phần, như: Quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ hưu trí và tử tuất. Trong đó, quỹ hưu trí và tử tuất có tính lâu dài và chưa tác động ngay tới người lao động nên có thể tạm dừng. Ngoài ra, quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động khó tạm dừng vì trường hợp ốm đau, thai sản diễn ra thường xuyên hơn… Ngoài ra, nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ cần xin ý kiến của Chính phủ, thậm chí là Quốc hội để sửa luật mới có thể áp dụng được.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gợi ý: Chúng ta cần sớm nghiên cứu và đề xuất ngân sách Nhà nước đồng ý cho doanh nghiệp vay để đóng BHXH và trả lương ngừng việc cho người lao động vì dịch Covid-19. Về lãi suất, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức vay ưu đãi.
Đối với BHTN, Bộ Lao động – TBXH đã đưa ra đề xuất doanh nghiệp và người lao động sẽ được tạm dừng đóng từ tháng 2 - 12/2020. Sau đó, doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu cũng phải nghiên cứu kỹ Quỹ BHTN chi cho công tác đào tạo nhằm nâng cao năng suất lao động và giữ chân người lao động. Coi đây là thời cơ để nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động.
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Trường Giang trao đổi về việc tạm dừng đóng Quỹ BHXH
Bộ trưởng giao Vụ Bảo hiểm Xã hội tính toán theo các phương án đối với việc đóng BHXH: Một là, thực hiện theo quy định hiện hành nhưng phải tiến hành nhanh, gọn, tránh trục lợi và cần có cơ chế giám sát chặt chẽ; hai là, mở rộng giãn, giảm đóng BHXH tùy theo mức suy giảm thực tế của doanh nghiệp.
Trong phạm vi quyền hạn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Bộ Lao động - TBXH đang trình Chính phủ 3 phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, phương án 1: Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp và người lao động bị thiệt hại mức từ 50% như luật hiện hành. Nhưng cần cải tiến quy trình xử lý nhanh và giản đơn cho người lao động và doanh nghiệp.
Phương án này sẽ thuận tiện hơn cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp làm sai thì sẽ chịu trách nhiệm đối với người chủ. Tuy nhiên, cũng cần phải minh bạch và tìm cách tránh tình trạng trục lợi BHXH thông qua cơ chế giám sát.
Phương án 2: Mở rộng theo đề xuất của Bộ là tùy theo tình hình, nếu doanh nghiệp bị suy giảm và có người lao động bị ngừng việc tới mức bao nhiều thì hỗ trợ mức bấy nhiêu.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực BHTN
“Trong chừng mực nào đó, chính sách này là công bằng và đặc biệt hỗ trợ những doanh nghiệp sử dụng đông lao động. Bởi thiệt hại mức 10% của doanh nghiệp quy mô 100 lao động sẽ khác với doanh nghiệp quy mô 5.000 - 10.000 lao động. Nếu cứ chờ tới mức 50% người lao động tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc thì sẽ rất khác nhau giữa 2 mô hình doanh nghiệp. Hậu quả sẽ rất lớn tới doanh nghiệp có quy mô đông. Do đó cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Phương án 3: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu và tử vào tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là những doanh nghiệp thiêt hại nặng như kho bãi, du lịch, chế biến thuỷ sản, may mặc… Thời hạn tạm dừng có thể kéo dài tới tháng 6, nếu còn khó khăn thì kéo dài tới tháng 12/2020.

Trần Thắng

TAG: Bộ Lao động - TBXH Bộ trưởng Đào Ngọc Dung Tập đoàn Dệt may Hỗ Trợ doanh nghiệp người lao động Covid-19 bao
Tin khác
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm