Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bắc Giang cần lấy người dân làm chủ thể và là đối tượng thụ hưởng
06:49 AM 23/11/2021
(LĐXH)- “Phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Bắc Giang cần lấy người dân làm chủ thể, vừa là đối tượng tham gia công cuộc đổi mới, đồng thời là người được thụ hưởng các thành quả phát triển kinh tế - xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Chiều ngày 22/11/2021, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện một số Sở, ban, ngành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái chủ trì buổi làm việc

Đào tạo nhân lực chất lượng cao để thu hút FDI
Tại buổi làm việc đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn, cho biết: Những năm qua, Bắc Giang luôn nằm trong top các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP dẫn đầu cả nước. Năm 2021 khởi đầu với nhiều dấu hiệu khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay. Với quan điểm nhất quán, chủ động trong lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh; cả hệ thống chính trị đã phối hợp nhịp nhàng, triển khai đồng bộ, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả nhiều nhiệm vụ giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội...
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những nỗ lực của Bắc Giang trong việc vừa thực hiện “mục tiêu kép” và vừa đảm bảo an sinh xã hội

Bắc Giang hiện có trên 160.000 đối tượng chính sách người có công, hơn 63.000 đối tượng bảo trợ xã hội, 14.679 hộ nghèo, 18.610 hộ cận nghèo; 38 cơ sở dạy nghề, 305.000 lao động đang làm việc tại 6.532 doanh nghiệp.
Về kết quả thực hiện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Mai Sơn, thông tin: Đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm thêm cho 35 nghìn lao động; hơn 356 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội, bằng 109,5% so với cùng kỳ; chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến mạnh mẽ.
Đặc biệt, hoạt động phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnhvới nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục duy trì thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, như: công tác chi trả trợ cấp hàng tháng, giải quyết chế độ BHYT, mai táng phí, trợ cấp một lần được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra các khiếu kiện phức tạp.
Chương trình giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, bền vững. Từ nguồn ngân sách địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người nghèo, người dân các vùng đặc biệt khó khăn về giống, vốn để phát triển sản xuất. Các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội; công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội… cũng được tỉnh quan tâm thường xuyên.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến thời điểm ngày 15/11/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 515.542 lượt người, 4.240 doanh nghiệp, 3.886 hộ kinh doanh. Tổng số kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ 764 tỷ đồng, tổng số kinh phí đã chi trả là 713,473 tỷ đồng.
Trao đổi thêm để bổ sung, làm rõ hơn các vấn đề lao động, người có công và xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Thái, cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, dành nguồn kinh phí, huy động xã hội hoá quan tâm chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo…
Theo Bí thư Dương Văn Thái, trong định hướng phát triển Bắc Giang đến năm 2030, tỉnh vẫn xác định tập trung phát triển vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Để quy hoạch phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư lớn thì nhu cầu đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao đối với tỉnh là rất cần thiết.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu làm rõ thêm những kết quả đạt được của tỉnh Bắc Giang

Do đó, Thường trực Tỉnh uỷ đã thông qua Đề án xây dựng Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế thành Trường Cao đẳng nghề miền núi Bắc Giang nhằm giải quyết nhu cầu đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Lạng Sơn. Để tạo bước đột phá về chất lượng nguồn lao động của tỉnh, dự kiến trong tháng 12/2021, Bắc Giang sẽ ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025.
“Tỉnh Bắc Giang cũng đã xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố tạo lợi thế và sức cạnh tranh không chỉ cấp tỉnh mà còn cạnh tranh cấp khu vực trong quá trình thu hút các nhà đầu tư FDI” - Bí thư Dương Văn Thái, trao đổi.
Nỗ lực đảm bảo an sinh trong đại dịch
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực, quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo đời sống cho người nghèo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, làm sao để mọi người dân của Bắc Giang vừa là chủ thể, vừa là đối tượng tham gia công cuộc đổi mới, đồng thời là người được thụ hưởng. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tập trung quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, ngăn chặn rủi ro; quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo công tác lao động, người có công và xã hội

Cụ thể, đối với lĩnh vực vực người có công, thời gian qua, Bắc Giang đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hơn 160.000 đối tượng người có công với cách mạng, chi trả đúng, đủ, kịp thời trợ cấp hàng tháng cho trên 26.000 đối tượng người có công. Do đó, Bộ trưởng đề nghị trong tháng 12/2021, tỉnh giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng đối với các trường hợp được ghi là liệt sỹ trong lịch sử Đảng bộ cấp xã nhưng còn thiếu một hoặc các thông tin như: ngày nhập ngũ (tham gia cách mạng), đơn vị khi hy sinh, nơi hy sinh, cấp bậc, chức vụ khi hy sinh, trường hợp hy sinh... nhưng đến nay chưa được công nhận là liệt sỹ (hy sinh thời kỳ chống Pháp).
Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Bắc Giang cần quy hoạch phát triển các trường nghề theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng. Trong đó, tập trung vào xây dựng một số trường nghề trọng điểm, chất lượng cao, đào tạo nhiều trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và mô hình 9+). Đồng thời, chú trọng trang bị kỹ năng mềm cho học viên các trường nghề, giảm học lý thuyết, tăng thực hành; liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp và doanh nghiệp phải là đơn vị tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo người lao động.
“Trên thực tế, thị trường lao động đang có 2 vấn đề lớn: là đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường và chất lượng lao động thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp. Tỉnh đã làm tốt rồi, nhưng cần tiếp tục gắn chặt cung cầu với dự báo, xu hướng phát triển kinh tế địa phương để tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nguồn nhân lực cho tương lai” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Cơi phát biểu tại buổi làm việc

Liên quan tới công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tỉnh cần quan tâm hỗ trợ về sinh kế, đầu tư hạ tầng thiết yếu; đồng thời, đặt mục tiêu tập trung xóa nhà tạm, dột nát xong trong 2 năm tới bằng nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và huy động nhân lực tại chỗ ở địa phương…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cơ bản đồng ý đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bắc Giang và giao cho một số đơn vị trong Bộ phối hợp thực hiện. Trong đó, nhất trí thành lập Trường Cao đẳng nghề miền núi Yên Thế trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế; Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quan tâm tạo điều kiện cho Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự bổ sung 3 nghề gồm: điều dưỡng, dược, kỹ thuật phục hồi chức năng thuộc khối ngành chăm sóc sức khoẻ; hỗ trợ kinh phí xây dựng lại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp để thực hiện tốt chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

Trần Thắng

TAG: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung Làm Việc Lãnh đạo Bắc giang công tác lao động Người có công Xã Hội
Tin khác
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần
Tiếp tục phát huy và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 28 ( khoá XI): Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu
Nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác tư tưởng của Đảng