Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình GDPT: Thay đổi cách dạy, kiểm tra thế nào?
04:27 PM 22/01/2018
Chiều 19/1, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Dự thảo chương trình môn học mới từ tiểu học đến THPT. Trong đó, nội dung chương trình được giảm tải, hình thành một số môn học mới mang tính tích hợp. Mục tiêu của chương trình mới là giúp hình thành năng lực, phẩm chất nên sắp tới, cách dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng phải thay đổi hoàn toàn.
Xuất hiện nhiều môn học mới
Trong chương trình đổi mới, học sinh sẽ được học nhiều môn bắt buộc, một số môn tự chọn. Lần đầu tiên các hoạt động trải nghiệm chính thức được đưa vào thành hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt cả 3 cấp học. Đây là hoạt động bắt buộc nằm trong chương trình, được bố trí 3 tiết/tuần nên phụ huynh không phải đóng phí cho các hoạt động trải nghiệm.
Đại diện lãnh đạo Bộ, tân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo nhưng không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên. Thay vào đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình chia sẻ, đến nay đã hoàn thành 20 chương trình môn học để công bố và xin ý kiến giáo viên, chuyên gia, xã hội trong vòng 60 ngày.  Dự kiến tháng 4/2018 sẽ ban hành chính thức chương trình bộ môn.
Thay đổi chương trình, sách giáo khoa liệu có thay đổi cách tư duy con trẻ?
GS Thuyết cho biết, các chương trình môn học gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể. Ví dụ, môn Ngữ văn xác định năng lực giao tiếp là đặc thù thì cần phát triển 4 kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Mỗi nội dung dạy học đều nhằm hình thành năng lực cụ thể nào đó. Chương trình cũng đáp ứng yêu cầu phân hóa ở nhiều mức độ khác nhau.
Chương trình tích hợp đã hình thành môn học mới gồm Khoa học xã hội, Lịch sử và Địa lý.
Một điểm khác biệt trong chương trình lần này là học sinh được hình thành, phát triển năng lực thông qua hoạt động các môn học thay vì các em chỉ ngồi nghe giáo viên giảng bài như trước.
Cũng theo GS Thuyết, sau khi công bố dự thảo, ban phát triển chương trình tiếp thu ý kiến đóng góp và điều chỉnh ngay trong quá trình góp ý. Hết 2 tháng lấy ý kiến, chương trình khung sẽ đưa ra hội đồng riêng thẩm định. Hội đồng quốc gia cũng họp 1 lần nữa để thẩm định lại sau đó mới ban hành.
Để chuẩn bị viết SGK, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý, người biên soạn và cả nhà thẩm định SGK.
Không còn bài lắt léo, mẹo mực
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết thì với tiến độ như hiện nay, dự kiến tháng 4/2018 sẽ ban hành được chương trình khung. Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực chuẩn bị để viết sách giáo khoa, tuy nhiên chương trình bộ môn chưa xong thì chưa đơn vị nào khởi động để viết được.
Chương trình khung được thiết kế mở, cách xây dựng, bố trí SGK như thế nào sẽ có phương pháp riêng. Tuy nhiên, tới đây, SGK không phải là pháp lệnh mà là tài liệu để giáo viên căn cứ vào đó dạy học, sáng tạo thêm nên chương trình, SGK sẽ thực hiện giảm tải bằng nhiều phương thức. Ví dụ, lược bỏ kiến thức khó, giảm bài tập lắt léo, đánh đố học sinh, giảm nội dung không thiết thực.  Dạy học tích hợp cũng là phương pháp giảm tải, thay vì trước đây học 3 môn nay xây dựng lại thành 1 môn Khoa học tự nhiên, trong đó kiến thức được tổ chức thành các chủ đề. Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp dạy học cũng nhằm giảm tải dạy học.
GS Thuyết cho rằng, cả chương trình, SGK và phương pháp giảng dạy đều có thể là nguyên nhân gây quá tải. Vì thế, trong đổi mới, khi chương trình đã giảm tải thì người viết SGK cần bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình.
Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ Văn cho rằng, một trong những thay đổi quan trọng chính là thay đổi về cách kiểm tra, đánh giá. Ví dụ, môn Ngữ Văn sắp tới giáo viên được lựa chọn tác phẩm để dạy học. Vì vậy, khi ra đề kiểm tra, giáo viên cần căn cứ yêu cầu cần đạt để ra đề. Khi đó, giáo viên hoàn toàn có thể yêu cầu học sinh đọc và đánh giá một tác phẩm hoàn toàn không có trong SGK. Dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình khung sẽ đo được năng lực của học sinh.
Về thi THPT quốc gia, trong 3 năm tới, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức một kỳ thi chung như hiện nay. Tuy nhiên, đến năm 2021 sẽ có sự thay đổi nhưng thay đổi như thế nào là chuyện không đơn giản. Bộ GD&ĐT đã tuyển chọn đơn vị nghiên cứu phương án đổi mới thi cử và báo cáo sớm nhất.
Trong chương trình lần này, thể hiện rõ tính tích hợp trong việc kết hợp các môn học cũng như kiến thức liên môn. PGS.TS Mai Sĩ Tuấn, Chủ biên chương trình Khoa học tự nhiên cho rằng, chương trình được tích hợp sâu ở cấp dưới và phân hóa rõ ở cấp trên. Mạch kiến thức cũng được xây dựng tiếp nối, nhào trộn thành môn học chứ không hề lắp ghép một cách cơ học. Điều này các nước trên thế giới cũng đã thực hiện và phương pháp dạy học tích hợp trở thành xu hướng lâu nay.

Các môn học trong Chương trình mới

- Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Giáo dục lối sống, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Hai môn học tự chọn: Ngoại ngữ 1 và Tiếng dân tộc thiểu số.

- THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ, giáo dục thể chất, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật. Môn tự chọn : Tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2.

- THPT, các môn bắt buộc chỉ còn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, học sinh ở cấp học này được lựa chọn học theo nhóm gồm các môn Khoa học xã hội (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử và Địa lý), Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật). 

Theo tienphong.vn

TAG: GIáo dục phổ thông cách dạy
Tin khác
Công bố quyết định thành lập trường Cao đẳng Huế
TP.HCM: Nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế
684 học viên các trường Bộ Công an hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Cao đăng Quảng Nam ký biên bản hợp tác toàn diện với Trường Đại học Thái Bình Dương
Hội GDNN TP.HCM: Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai hoạt động năm 2024
Trường Đại học Lao động - Xã hội ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo
Trương Cao đẳng Y tế Tiền Giang: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 20 cơ sở GDNN tham gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại Ngày hội “Hướng nghiệp - Tuyển sinh” lần 12
Chọn nghề trong thời đại 4.0