Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bình Phước chăm lo giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
10:32 AM 22/01/2020
Bình Phước là một tỉnh miền núi có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, là cửa ngõ và là cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia, có 41 dân tộc khác nhau cùng sinh sống với dân số 994.679 người. Trong năm 2019, kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt, thu ngân sách đạt 9.000 tỷ đồng. Địa phương đã nỗ lực để tăng trưởng kinh tế luôn hài hòa với đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã xử lý tốt, kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2019, với việc triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội nói chung, công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo cho hộ nghèo dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm và đạt được một số kết quả khả quan.

Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2019 tỉnh đã thực hiện thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đạt được như sau: Giải quyết việc làm cho 43.590/35.000 lao động, đạt 124,54% kế hoạch năm, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,2% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn trên 90%; Đào tạo nghề cho 7.749/6.000 lao động, đạt 129,15% kế hoạch năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%; Giảm 1.917 hộ nghèo, đạt 117% so với kế hoạch. 

Bình Phước đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguồn lao động của tỉnh chất lượng còn thấp; đội ngũ lao động chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, vấn đề giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp. Mặt khác, sự dịch chuyển lao động từ các tỉnh đến Bình Phước là rất lớn, lao động mùa vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn có thu nhập cao hơn nên việc thu hút lao động vào làm việc khu vực công nghiệp và dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người dân tương đối nhiều nhưng còn gặp khó khăn về chi phí đi xuất khẩu, do họ không thuộc diện chính sách nên không được vay vốn đi xuất khẩu lao động (theo quy định Nghị định 61/2015/NĐ-CP), vì vậy, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh còn ít.

Tuy nhiên, khắc phục những hạn chế đó, công tác giải quyết việc làm ở Bình Phước đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 43.590 lao động, đạt 124,54% kế hoạch đề ra (35.000 lao động). Để đạt được kết quả ấn tượng này, trước hết, tỉnh đã chú trọng phát triển thị trường lao động, cung cấp thông tin về cung, cầu lao động; tổ chức 07 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 61 doanh nghiệp (có nhu cầu tuyển dụng 18.640 lao động) và 5.129 lao động tham gia; duy trì cập nhật thông tin trên Website người tìm việc - việc tìm người (http://vieclambinhphuoc.gov.vn) hỗ trợ các tiện ích phục vụ kết nối cung - cầu lao động với các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; thực hiện giải ngân vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền gần 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 196.446 người, chiếm khoảng 20,14% tổng dân số, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và đạt kết quả tích cực, đời sống người đồng bào DTTS được cải thiện. Tuy nhiên tốc độ giảm nghèo của các hộ nghèo DTTS còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo ngày càng gia tăng. Hiện nay, toàn tỉnh có 6.697 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,57% tổng số hộ dân, trong đó có 3.379 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 50,45% tổng số hộ nghèo.

Trước thực trạng đó và với quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững cũng như chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Bình Phước đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019. Tỉnh đã huy động, tập trung mọi nguồn lực, tích hợp các chính sách đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó tập trung hỗ trợ các nhu cầu thực tế của hộ nghèo như hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa nhà, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ con giống, nông cụ, nước sinh hoạt,… với 1.928 nhu cầu cần hỗ trợ, tương ứng với số tiền 73,969 tỷ đồng.

Nhờ sự chung sức, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh đã giảm 1.166 hộ nghèo DTTS, đạt 117% so với kế hoạch. Dự kiến sau khi tổng kết Kế hoạch giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 sẽ tiếp tục thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo DTTS trong năm 2020.

Tỉnh tiếp tục xác định công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS là một nhiệm vụ trọng tâm

Trong thời gian tới, công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS vẫn là nội dung trọng tâm ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Phước tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, Ngành đã đề ra một số giải pháp, cụ thể: Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện các nội dung đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh Bình Phước trong Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước; Duy trì tốt việc cập nhật thông tin cung - cầu lao động để có nguồn số liệu chính xác, chi tiết phục vụ cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm giai đoạn 2015 - 2020 và các giai đoạn tiếp theo. Tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thuộc dự án nâng cao năng lực Trung tâm Dịch vụ việc làm; khảo sát nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp để từ đó có được chính sách hoạch định đúng về việc đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và tổng hợp nhu cầu đào tạo lao động, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chào mời các doanh nghiệp tham gia tuyển lao động của địa phương vào làm việc; Thực hiện cho vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tạo việc làm mới cho người lao động, ưu tiên cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm đối với các đối tượng thuộc vùng được chuyển đổi mục đất nông nghiệp sang để phục vụ làm các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các xã được chọn điểm thuộc Đề án nông thôn mới của Chính Phủ.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về việc làm, đào tạo nghề cho người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề. Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, có sự kết hợp giữa 3 bên (cơ sở dạy nghề - người lao động - doanh nghiệp), người lao động sẽ được thực hành chính dây chuyền của doanh nghiệp nên sau khi học xong sẽ có việc làm ngay; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giải quyết việc làm để từ đó có được một cái nhìn toàn diện về công tác giải quyết việc làm, đánh giá đúng và khách quan về các chỉ tiêu đặt ra. Tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn kinh phí giải quyết việc làm và đào đạo nghề từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng thời tiếp tục cân đối nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trong thời gian tới.

Đăng Doanh

TAG: Bình phước lao động việc làm an sinh xã hội bao
Tin khác
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động
Cần Thơ: Hơn 14.775 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng
Hà Tĩnh: Hơn 1.900 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quý I
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hai Bà Trưng năm 2024: Nhiều cơ hội việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5