Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Bình Định: Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 62% trong năm 2023
10:03 AM 15/05/2023
(LĐXH) - Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định đặt mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. phấn đấu tuyển sinh khoảng 17.500 học viên và đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 62%.
Công tác GDNN luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bình Định quan tâm chỉ đạo; các cấp, ngành và các địa phương đã có sự phân công và phối hợp triển khai thực hiện, trong đó chú trọng phát triển đa dạng về loại hình, ngành nghề và trình độ đào tạo, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND hằng năm và cung cấp số lượng lớn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế.
Sinh viên nghề Công nghệ ô tô - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trong giờ thực hành
Tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN, mở rộng quy mô tuyển sinh và củng cố, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Hiện toàn tỉnh 26 cơ sở GDNN, cơ sở có tham gia hoạt động GDNN; quy mô tuyển sinh khoảng trên 27.000 người/năm; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở GDNN trong tỉnh là 1.157 người, có trình độ chuyên môn đáp ứng được với công tác dạy nghề. Các cơ sở GDNN đều có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề tối thiểu đáp ứng đủ cho quy mô đào tạo được cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Một số cơ sở GDNN đã được đầu tư tương đối đồng bộ với những thiết bị đào tạo hiện đại phục vụ đào tạo nghề theo chuẩn cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường cao đẳng Cơ điện – xây dựng và Nông lâm Trung Bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kịp thời triển khai, hướng dẫn các cơ sở GDNN, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về GDNN, trong đó có chính sách học phí, học bổng cho người học nhằm khuyến khích và thu hút học sinh tham gia học nghề. Cùng với đó, tổ chức các chương trình hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm; tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Qua đó, không chỉ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học các trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Theo báo cáo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, năm 2022, số học sinh, sinh viên tuyển mới là 23.828 người, đạt 86,96% kế hoạch năm. 17.225 học sinh, sinh viên được cấp bằng/chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo tốt nghiệp ra trường, đạt 100,09% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm sau đào tạo, có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập đạt trên 80%.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đến nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh, sinh viên đều được giới thiệu việc làm. Với phương châm “tuyển sinh là tuyển dụng”, hơn 90% sinh viên tốt nghiệp, 85% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp và 97% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng, với thu nhập bình quân từ 7-15 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dự báo nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh chưa sát thực tế, chưa kết nối được giữa người lao động, cơ sở GDNN và nhu cầu của thị trường lao động...; công tác quản lý các cơ sở GDNN chưa đạt yêu cầu đề ra. Đồng thời, việc triển khai thực hiện công tác GDNN trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định đặt mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tuyển sinh khoảng 17.500 học viên và đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 62%.
Bình Định phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 85%; mỗi năm giải quyết việc làm cho 30.000 lao động. Bình quân hàng năm tư vấn nghề, việc làm cho khoảng 30.000 - 32.000 lượt người, nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm lên khoảng 40% vào năm 2025.../.
Hưng Cảnh
TAG: Giáo dục nghề nghiệp Bình Định
Tin khác
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Giải bóng đá học sinh sinh viên trường Cao đẳng Quảng Nam – Tạo nền tảng thể lực để kiến tạo tương lai
Màn chào sân ấn tượng của những ngành học mới tại Ngày hội Tuyển sinh Bách khoa
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố mức điểm sơ tuyển năm 2024 theo phương thức xét tuyển học bạ và ĐGNL
TP.HCM: Gần 790 thí sinh dự tranh tài tại Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề lần thứ 15