Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bình đẳng giới phải thực chất - Bài 1: Những rào cản vô hình
05:02 PM 12/12/2018
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, song quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho phụ nữ là người chăm sóc gia đình và nam giới là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội đang tạo ra những “gọng kìm” kìm hãm sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thuộc nhóm đối tượng yếu thế và dễ tổn thương.

Không có quyền quyết định việc sinh con

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc triển khai Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đã có những cải thiện tích cực. Vào năm 2015, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai là 80%, tỷ lệ tử vong bà mẹ là 60/100.000 ca. Với những bước tiến này, Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5... Tuy nhiên, sự chênh lệch, không đồng đều và bất bình đẳng về sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng vẫn tồn tại ở các nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, di cư…).

Điều 17 Luật Bình đẳng giới quy định, nam nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế cũng như bình đẳng trong lựa chọn quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Rõ ràng, phụ nữ và nam giới đều cần được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có sức khỏe sinh sản như nhau. Nhưng trước đây và kể đến tận bây giờ, nhiều đấng mày râu vẫn cho rằng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là chuyện chỉ dành cho phụ nữ và gắn liền với phụ nữ.

Thực tế, hiện tượng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản ở nước ta còn khá phổ biến. Việc mang thai và sinh đẻ tuy là thiên chức của người phụ nữ nhưng mang thai khi nào và sinh bao nhiêu con lại thường do người chồng hoặc gia đình chồng quyết định. Hậu quả là đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn lao động, ảnh hưởng các cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc y tế của cả hai giới, tăng chi phí không cần thiết như chăm sóc sức khỏe do nạo phá thai nhiều lần, chi phí chữa chạy vết thương do bạo lực về giới, chữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Không có quyền quyết định cuộc đời mình

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, ước tính trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 36.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, tình trạng bạo lực và bất bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra khá phổ biến, chiếm hơn 80%. Đối với những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn, do hạn chế về nhận thức và thiếu thốn về kinh tế thì tình trạng này còn đang diễn biến nhức nhối hơn nhiều.

Thuộc nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế nhưng phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) lại là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tư duy trọng nam khinh nữ. Theo đó, phụ nữ không cần học nhiều - suy nghĩ này tồn tại trong nhiều dân tộc thiểu số. Phụ nữ không có quyền quyết định cuộc đời mình. Lớn lên, lấy chồng, sinh con và phải sinh bằng được con trai.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc bất bình đẳng giới còn thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực: 74% hộ DTTS do nam giới đứng tên độc lập về quyền sử dụng đất, tỷ lệ nữ DTTS tham gia hệ thống chính trị còn thấp. Tính riêng cấp xã, tỷ lệ nữ DTTS tham gia hệ thống chính trị chiếm 11,4% trong tổng số hơn 50% cán bộ người DTTS, tỷ lệ giữ chức vụ lãnh đạo thấp, đặc biệt là cấp trưởng là không vượt quá 10%. Ngoài ra, các chỉ số về bất bình đẳng giới còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục và đào tạo, y tế, trong gia đình, văn hóa thông tin...

Kết quả khảo sát về thực trạng bất bình đẳng giới ở 53 DTTS công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ tảo hôn vùng dân tộc thiểu số 26,6%. Nữ giới cao gấp gần 4 lần nam. Nữ giới và trẻ em nữ vùng DTTS chiếm 70% số phụ nữ và trẻ em gái mù chữ trong cả nước. Bạo lực trong gia đình xảy ra phổ biến, đặc biệt ở gia đình dân tộc phụ hệ. Hơn một nửa số phụ nữ DTTS từ 15 - 49 tuổi tin rằng chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào trong 5 lý do: Ra ngoài không xin phép; bỏ bê con cái; cãi lại chồng; từ chối quan hệ tình dục với chồng; làm cháy thức ăn... Những con số này đã cho thấy phụ nữ, nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương đang phải chịu sự đối xử bất bình đẳng so với nam giới. Sự bất bình đẳng này đã làm hạn chế cơ hội phát triển, vươn lên của nhiều chị em, kéo theo sự chậm phát triển về kinh tế - xã hội.

Thái Yến
TIN LIÊN QUAN
TAG: Luật Bình đẳng giới đối tượng yếu thế DTTS Ủy Ban Dân Tộc phụ nữ và trẻ em gái bao
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024