An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
BHXH Việt Nam: Tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2020
11:45 AM 15/10/2020
(LĐXH) – Năm 2020, BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; chủ động, tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được một số kết quả nổi bật.
Chi bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh
Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước có trên 15,5 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); có gần 13 triệu người tham gia tham gia BH thất nghiệp (đạt 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 86,7 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số). So với cuối năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tăng trưởng dương, riêng BHXH tự nguyện, đến hết tháng 4 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019 nhưng đến nay đã đạt trên 844.741 người, tăng 381.638 người so với năm 2019.
Dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu… Cùng với đó,  với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp giảm; mặc dù tổng số thu BHXH, BH thất nghiệp, BHYT có tăng, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm thấp hơn cùng kỳ. Tính đến hết tháng 9/2020, số thu toàn Ngành đã đạt 72,4% kế hoạch năm, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 19.899 tỷ đồng (bằng 4,93% số phải thu và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019).
Cán bộ ngành BHXH và ngành Bưu điện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước đã chi 171.411 tỷ đồng cho 8.343.061 lượt người hưởng BHXH; 11.135 tỷ đồng cho 797.485 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần và BH thất nghiệp đều tăng. Tương ứng là số chi BHXH, BH thất nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm 2019, đặt biệt là số chi BH thất nghiệp tăng mạnh (145%). Cả nước đã có 120,598 triệu lượt người KCB BHYT; số chi KCB BHYT các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT là 73.920 tỷ đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), tương ứng 71,7% tổng dự toán chi KCB BHYT năm 2020.
Đột phá trong cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin
Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan. Trong đó, thực hiện kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều với Tổng cục Thuế; kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp trên hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông cấp giấy khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (đến tháng 9/2020 đã hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố); tích hợp, cung cấp các dịch vụ công (DVC) trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 16 DVC; tiếp nhận gần 3.500 hồ sơ thực hiện DVC qua Cổng DVC Quốc gia, trong đó, có một số DVC có tần suất thực hiện lớn như: DVC Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất (1.878 hồ sơ); các DVC thanh toán trực tuyến (Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, đóng tiếp BHXH tự nguyện: 1.500 giao dịch); các DVC hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (890 hồ sơ)…
Trong năm 2019, ngành BHXH đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH, góp phần rút ngắn thời hạn giải quyết chế độ BHXH cho người lao động. Trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) , ngành BHXH đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Tin nhắn (SMS); thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của Ngành trên BIGDATA; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã tích hợp để thực hiện DVC cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Những nỗ lực của Ngành BHXH trong việc đẩy mạnh cải cách  thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT đã kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian giao dịch cho doanh nghiệp, người lao động với cơ quan BHXH.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về ứng dụng CNTT, trong 03 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin- truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng cao trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành có DVC. Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở KCB trong cả nước và đã đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động, một mặt kiểm soát được chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, mặt khác thông qua đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến tổ chức đầu tháng 10/2020, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: Với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành BHXH, kết quả tháng 9/2020 đã tăng so với quý trước và tháng 8/2020, đặc biệt, những ý kiến đóng góp của Ngành đã được Chính phủ, Quốc hội đồng tình, đánh giá cao. Đây là bước tạo đà quan trọng để toàn ngành BHXH tăng tốc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc Đại hội thi đua yêu nước ngành BHXH
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả đối với từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên bám sát, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương để vừa tham mưu, triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao; chủ động, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Ngành và các cơ quan, đơn vị ngoài Ngành; nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bám sát dự toán thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan Thuế để rà soát các nhóm tham gia BHXH bắt buộc, tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ, sử dụng các biện pháp, đôn đốc, bám sát dòng tiền, sức khỏe doanh nghiệp; đẩy mạnh công khai doanh nghiệp nợ đọng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố hình sự với doanh nghiệp vi phạm.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông tại các thôn, xóm; xác định các nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để có những giải pháp truyền thông phù hợp; đồng thời, đánh giá lại các phương pháp, hình thức truyền thông của Ngành đã triển khai trong thời gian qua. Xây dựng kịch bản truyền thông; chú trọng truyền thông về những giá trị cốt lõi, nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay các chính sách này càng phát huy giá trị lớn, bù đắp thu nhập, giúp nhiều người vượt qua khó khăn do mất việc làm, ốm đau, bệnh tật; từ đó, kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tài trợ để giúp những người dân, người lao động gặp khó khăn được tiếp tục tham gia BHYT, BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Xây dựng, điều chỉnh kế hoạch hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch BHXH tự nguyện, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, bao gồm cả chỉ tiêu phấn đấu bổ sung, đến từng công chức, viên chức, lao động hợp đồng của cơ quan BHXH, từng đại lý thu, nhân viên đại lý thu để xây dựng chi tiết nhiệm vụ về tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp, tổ chức mở hội nghị khách hàng; phối hợp rà soát, lập danh sách người chưa tham gia BHXH tự nguyện, tập trung ưu tiên tuyên truyền, vận động nhóm người có nhiều tiềm năng như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố, hội viên, thành viên các hội, đoàn thể, quần chúng, nhóm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc. Nắm bắt số lượng người đang tham gia BHYT, chú trọng đối tượng thuộc diện cận nghèo thoát nghèo, người dân tại các xã nông thôn mới; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kịp thời tuyên truyền, vận động tiếp tục tham gia BHYT; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự hỗ trợ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp để mua BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp tục tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ với tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ ngày càng tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động; Thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý kịp thời đối với đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, góp phần xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp./.
Nam Khánh

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: BHXH Việt Nam KCB BHYT Cổng DVC Quốc gia ICT-index Tăng Tốc bao
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024