Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh: Những tấm lòng thầm lặng
02:59 PM 07/12/2017
(LĐXH) - Đến bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần (BVSKTT) Quảng Ninh ai cũng đều cảm phục trước sự kiên nhẫn, chăm sóc tận tình chu đáo của đội ngũ cán bộ y bác sĩ nơi đây với bệnh nhân. Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân bình thường đã khó khăn, vất vả đối với những bệnh nhân tâm thần lại càng khó khăn hơn gấp bội.
Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh
Là bệnh viện chuyên khoa về tâm thần của tỉnh, bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây chủ yếu là mắc các bệnh loạn thần, tâm thần phân liệt và động kinh... Với 14 khoa - phòng chức năng, 280 giường bệnh chỉ tiêu, 138 cán bộ nhân viên y tế, trước áp lực về thời gian làm việc, công tác chăm sóc và sự quá tải mà áp lực, sự căng thẳng thần kinh để công tác khám và điều trị đạt hiệu quả chính là lương tâm, trách nhiệm của cán bộ nhân viên nơi đây.
Với phương châm “Tất cả vì sức khỏe tâm thần và vì người bệnh tâm thần”, thời gian qua, Bệnh viện BVSKTT Quảng Ninh đã chú trọng cải tiến lề lối làm việc, chất lượng phục vụ theo hướng lấy bệnh nhân làm trung tâm. Do vậy, công tác khám bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc đã giảm đáng kể áp lực, mang đến chuyển biến toàn diện, tạo ra một môi trường bệnh viện thân thiện giúp cho người bệnh nhanh chóng ổn định sức khỏe tâm thần, sớm trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh,
trò chuyện cùng gia đình bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, những năm qua song song với việc đầu tư cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, bệnh viện đã ứng dụng và triển khai thêm nhiều kỹ thuật mũi nhọn trong điều trị các bệnh lý tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện, giải quyết tốt các trường hợp cấp cứu tâm thần, sảng rượu, trạng thái động kinh, điều trị các rối loạn tâm lý, tâm thần ở người cao tuổi; phát hiện và can thiệp sớm các rối loạn tâm thần tại cộng đồng, phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp cho bệnh nhân... Các trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư đưa vào phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh như máy điện não đồ vi tính, máy đo lưu huyết não, máy siêu âm 4D, máy siêu âm Dopler mạch máu não, máy chụp X-quang số hóa, máy xét nghiệm huyết học, máy sinh hóa máu tự động… cùng nhiều kỹ thuật mũi nhọn đã và đang được sử dụng khẳng định lộ trình phát triển.
Trong hoạt động chuyên môn, bệnh viện đã xây dựng được trên 60% quy trình kỹ thuật theo Thông tư 43/2013/TT-BYT, được Sở Y tế phê duyệt và đã áp dụng vào công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị, xây dựng, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán và phác đồ điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp và đưa lên trang thông tin điện tử của ngành y tế tỉnh, của bệnh viện, hướng dẫn của khoa, phòng để nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh. Đồng thời, bệnh viện đã tiến hành triển khai các kỹ thuật phục hồi chức năng - tâm lý trị liệu cho người bệnh, thực hiện các trắc nghiệm tâm lý mới phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh qua đó đã khẳng định ưu thế trong điều trị bệnh tâm thần tại cơ sở.
Những tấm lòng thầm lặng
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề y, bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng đã đến với nghề rất tự nhiên chỉ với mong muốn bằng kiến thức của mình sẽ đem lại sức khỏe và niềm tin cho người bệnh. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp y Quảng Ninh, chị về công tác tại bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh.
Nhớ lại những năm tháng đó, chị chia sẻ :"Lúc mới về công tác tại đây, tôi cũng có một chút chán nản và lo sợ. Kỉ niệm nhớ nhất của tôi là một lần bị một bệnh nhân đấm thẳng vào mặt. Tuy nhiên tiếp xúc nhiều với những bệnh nhân nơi đây, tôi thấy không đáng sợ như mọi người nghĩ, ngoài những lúc lên cơn thì những lúc bình thường họ cũng hiền hòa và vui vẻ. Từ đó tôi thấy cảm thông và chia sẻ với những gì họ phải chịu đựng, cố gắng nỗ lực để gần gũi và hiểu họ để điều trị cho họ sớm trở lại bình thường".

Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy khám bệnh cho bệnh nhân
Nguyễn Thanh T. (huyện Vân Đồn) rối loạn tâm thần do nghiện rượu.

Khoa phục hồi chức năng – Bệnh viện BVSKTT tỉnh Quảng Ninh chuyên điều trị cho những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do nghiện game, nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện các chất dạng amphetamine... Hiện, trung bình mỗi ngày tại khoa luôn có hơn 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Mặc dù hàng ngày công việc điều trị cho những bệnh nhân này rất vất vả nhưng bác sỹ Cao thị Xuân Thủy thường xuyên đến từng buồng bệnh thăm, khám cho bệnh nhân, kiểm tra và theo dõi sự tiến triển của bệnh quá trình điều trị để có những thay đổi phù hợp cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, không phải người bệnh nào cũng cởi mở, cũng hợp tác với bác sĩ nhưng chị đã không nản lòng mà luôn cố gắng tìm cách tiếp cận, gần gũi, sẻ chia với người bệnh để hiểu hơn về tâm lý của họ, tạo cho họ sự tin tưởng vào đội ngũ y, bác sỹ nơi đây.
Hơn 20 năm chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chị tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, với chị chỉ cần nhìn bệnh nhân là chị có thể đoán biết được người bệnh có hợp thuốc hay không. "Đối với những bệnh nhân tâm thần thì càng mềm mỏng càng dễ tiếp cận với họ, quát mắng họ không có tác dụng gì cả. Nhiều khi còn phải hóa thân thành bệnh nhân để trò chuyện, lắng nghe xem tình trạng bệnh nhân như thế nào, dù biết đó là những chuyện vớ vẩn, tầm phào"- Chị tâm sự.
Còn đó những khó khăn
Năm 2017, cùng với việc triển khai tốt công tác khám và điều trị tại chỗ, bệnh viện đã triển khai tốt công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng tại 14 huyện, thị (186 xã phường), duy trì Dự án BVSKTT tại 164 xã, phường cũ (đã triển khai năm 2016) và triển khai thêm 10 xã, phường mới. Đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức tâm thần cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện thị, tuyến cơ sở và cán bộ đoàn thể, chính quyền xã. Cùng với đó, đơn vị đã chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới: Xử trí loạn thần cấp, đợt cấp của tâm thần phân liệt, xử trí người bệnh động kinh…
Ngay sau khi Sở Y tế giao chỉ tiêu chuyên môn và kinh phí, bệnh viện đã xây dựng, triển khai đồng loạt kế hoạch chỉ đạo tuyến và thực hiện Dự án Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cộng đồng - trẻ em. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đơn vị đã gặp không ít khó khăn đó là phương tiện để triển khai chỉ đạo tuyến và dự án tại cộng đồng gần như không có bởi, bệnh viện chỉ có 1 phương tiện duy nhất xe cứu thương để chuyên chở bệnh nhân tại chỗ. Hơn nữa, bệnh viện cũng không đủ kinh phí để mua thuốc chuyên khoa tâm thần, có chăng chỉ là những loại thuốc cổ điển, rẻ tiền, nhiều tác dụng phụ… qua khám, sàng lọc tại 174 xã, phường cũng đã phát hiện thêm 210 bệnh nhân mới và kinh phí để khám, điều trị lại càng khó khăn hơn...
Bên cạnh đó, hiện nay, cùng với các bệnh không lây nhiễm khác, tỷ lệ người mắc các rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng. Bệnh viện BVSKTT Quảng Ninh với chỉ tiêu giao 280 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nội trú đang quá tải, lúc nào Bệnh viện cũng điều trị cho khoảng 345 bệnh nhân. Trong khi đó, các khoa phòng đã được xây dựng nhiều năm đều xuống cấp, thiếu trang thiết bị y tế gây nhiều khó khăn cho Bệnh viện trong khám chữa bệnh.
Ngoài ra, với 40 bệnh nhân bị tâm thần rất nặng, lang thang từ nhiều nơi đến và họ bị lạc gia đình hoặc bị bỏ rơi đang được lưu trú, quản lý, chăm sóc có thể là vĩnh viễn tại Bệnh viện là một trách nhiệm rất lớn, rất nặng nề mà con số chưa dừng ở đấy. Từ năm 2010 cấp trên đã có chủ trương xây dựng một khu vực dành cho những bệnh nhân này. Dự án xây dựng Trung tâm quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần mãn tính ước tính đầu tư khoảng 60 tỷ đồng nhưng nay vẫn chưa triển khai được vì chưa có nguồn kinh phí.
Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Hồng Tâm, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết để giải quyết những tồn tại, vướng mắc từ nhiều năm nay, Bệnh viện đã triển khai một số giải pháp đối với bệnh nhân tâm thần ngoại trú tại cộng đồng trong đó ưu tiên triển khai sớm cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; khám bệnh, cấp thuốc cho người bệnh thông qua BHYT tại Khoa Khám bệnh đối với những bệnh nhân ở khu vực gần bệnh viện… Để triển khai những năm tiếp theo, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần mong muốn sẽ được tỉnh, ngành y tế hỗ trợ trang bị phương tiện, bổ sung nguồn kinh phí để đơn vị có đủ cơ số thuốc cấp cho người bệnh và triển khai các hoạt động của Dự án Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cộng đồng và công tác chỉ đạo tuyến./.
Cảnh Minh
TAG: Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh: Những tấm lòng thầm lặng nghề công tác xã hội
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin