Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước đại dịch Covid-19
04:10 PM 09/11/2020
(LĐXH) - Cú sốc do dịch bệnh Covid-19 gây ra đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, kèm theo đó là sự gia tăng bất bình đẳng. Trong đó, phụ nữ và trẻ em, nhất là phụ nữ đã có con hoặc đang nuôi con nhỏ… là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đại dịch Covid-19 cũng làm gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Cảnh báo gia tăng tình trạng bất bình đẳng


Nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình của UNFPA có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp em gái phải cắt bỏ bộ phận sinh dục và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020 – 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được.

Tiến sĩ Dương Văn Đạt, Chuyên gia của UNFPA về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chia sẻ, Covid-19 đang đe dọa tình trạng sức khỏe bà mẹ và có khả năng số ca tử vong mẹ vào năm 2020 sẽ gia tăng đáng kể do hậu quả tiêu cực của Covid-19. Ngoài ra, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong thời gian giãn cách xã hội, bạo lực gia đình đã tăng từ 30% đến 300%. Tại Việt Nam, hơn 21 triệu trẻ em không được đến trường và cách ly tại nhà cũng đã tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ an toàn của trẻ em…

Thực trạng trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, tình trạng ngược đãi và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trước đại dịch Covid-19 đang ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef), có khoảng 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực ngay tại nhà. Trong đó, đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường là người thân, quen. Cụ thể, có khoảng 21,3% đối tượng vi phạm là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ hàng; 6,2% là thầy giáo, nhân viên nhà trường; 59,9% là người quen, hàng xóm… Riêng tại Việt Nam, kết quả Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNFPA và Đại sứ quán Úc cũng cho thấy, sau 9 năm kể từ cuộc điều tra đầu tiên về bạo lực đối với phụ nữ, tỷ lệ bạo lực ở Việt Nam chỉ giảm nhẹ. Theo đó, cứ 3 phụ nữ ở Việt Nam thì vẫn có gần 2 người từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực từ người chồng. Và tình trạng này bị che giấu rất nhiều bởi họ không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục đều không tìm kiếm sự trợ giúp.

Ảnh minh họa


Cơ hội và thách thức


Đại dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức và cơ hội trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển (AMMSWD) nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương, các Bộ trưởng ASEAN cũng đã thống nhất việc phối hợp đảm bảo tiếp cận kịp thời với an sinh xã hội và phân bổ hợp lý nguồn lực từ quỹ công cho chi tiêu xã hội; bảo vệ quyền, an toàn và nhân phẩm; đảm bảo sức khỏe an toàn cho các cán bộ công tác xã hội tại các tuyến đầu trong việc ứng phó với đại dịch; xây dựng các kế hoạch, biện pháp mang tính liên tục, đảm bảo sự hòa nhập cho người khuyết tật, có đáp ứng giới, nhạy cảm với lứa tuổi và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; thực hiện các chính sách hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương cũng như giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với người già, phụ nữ, đặc biệt là trẻ em.

Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vừa qua Chính phủ Australia cũng đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam và 03 cơ quan Liên hợp quốc gồm UNFPA, UNICEF và UN Women chính thức khởi động dự án Hỗ trợ các hoạt động can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh Covid-19, trị giá 2,5 triệu AUD (khoảng 40 tỷ đồng) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ công tác ứng phó với dịch bệnh trong vòng 1 năm tới. Dự án được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai, cha mẹ/người chăm sóc, trẻ em và trẻ vị thành niên về nguy cơ bạo lực trong gia đình. Các hoạt động hỗ trợ tăng cường đối với nạn nhân của bạo lực sẽ được thực hiện tại bốn tỉnh/thành phố bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá tác động của Covid-19 tới các nhóm dễ bị tổn thương do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) và Trung tâm phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện, nếu không được khắc phục một cách toàn diện, hậu quả về sức khỏe tinh thần và kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến bất bình đẳng giới và nguy cơ đẩy lùi những thành quả đã đạt được trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ trong những thập kỷ gần đây.

Trước tình hình khó khăn khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ làm tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em hoàn toàn có thể xảy ra, rất cần những hoạt động cụ thể để tăng cường kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với bạo lực cho phụ nữ và trẻ em. Mong rằng, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước và mọi người dân trong cộng đồng, tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ sớm được đẩy lùi không chỉ trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, mà cả trong những giai đoạn tiếp theo.

Hà Giang

        

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: bình đẳng giới bảo vệ phụ nữ trẻ em dịch Bệnh dịch Covid-19 bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công