Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Bảo đảm an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại
07:22 AM 21/01/2023
(LĐXH)- Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội. Trong đó, Bộ đã tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh, duy trì công ăn việc làm, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội toàn dân.
Năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu và triển khai kịp thời, thiết thực, hiệu quả các chính sách xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ người dân các vùng bị thiên tai, lũ lụt; tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, chăm sóc người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do COVID-19 đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực.
Tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng tỉnh Thanh Hóa
Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm sâu rộng, thiết thực, trang trọng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ đi trước.
Lĩnh vực bảo trợ xã hội, cứu trợ khẩn cấp được triển khai hiệu quả. Trong giai đoạn 2020 – 2022, các gói chính sách an sinh xã hội cả nước đã chi 104.499 tỷ đồng hỗ trợ cho 68,67 triệu lượt người lao động và các đối tượng yếu thế, hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt người sử dụng sử dụng lao động, chung sức vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Kết thúc năm 2022, có 03/03 chỉ tiêu Quốc hội giao và 03/03 chỉ tiêu Chính phủ giao đều đạt được mục tiêu đề ra; các chỉ tiêu khác của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Nổi bật, đó là tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 38%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31%. Cả nước đưa được 142.779 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158,6% kế hoạch năm - một con số kỷ lục sau hơn hai năm dịch bệnh COVID-19.
Điều đáng mừng, thị trường lao động phục hồi nhanh và đảm bảo cơ bản cân đối, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Đến hết năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,7 triệu người, lực lượng đang làm việc đạt 50,6 triệu người, lực lượng lao động phi chính thức giảm mạnh, khu vực tăng chủ yếu là công nghiệp, dân doanh và dịch vụ. Tiền lương bình quân khu vực doanh nghiệp năm 2022 đạt 8,25 triệu đồng/người/tháng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước bình quân là 9,52 triệu đồng; FDI là 8,47 triệu đồng; dân doanh là 8,02 triệu đồng. Về tiền thưởng Tết năm 2023, qua báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và các tập đoàn doanh nghiệp, mức thưởng bình quân là 6,86 triệu đồng, tăng 11% so với năm 2021. Doanh nghiệp thưởng cao nhất hơn tỷ đồng tại thành phố Đà Nẵng, tại thành phố Hồ Chí Minh là 759 triệu đồng, Hà Nội là 400 triệu đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu là 535 triệu đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách về lao động, người có công và xã hội gặp một số khó khăn, thách thức, do nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách xã hội còn thấp, việc huy động xã hội khó khăn hơn do tiềm lực tích lũy bị giảm bởi tác động của dịch COVID-19. Nền kinh tế nước ta gặp nhiều tác động bất lợi từ xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh nước lớn và ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu, từ tháng 10/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực có xu hướng giảm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, một số doanh nghiệp giảm nhân công, giảm giờ làm cho người lao động tạm thời. Qua thống kê, đã có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng cục bộ, chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp; số người lao động bị ảnh hưởng là 687 nghìn người, chiếm 4%, trong đó mất việc làm là 53 nghìn người (bằng 8,4%); 359.087 người bị giảm giờ làm thêm, giờ làm việc bình thường từ 8 giờ xuống 7,25 giờ, chủ yếu ở ngành may mặc, dệt may, chế biến gỗ trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Điều đó cần sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để chăm lo cho những người lao động bị giãn, mất việc để mọi người, mọi nhà đều có Tết đầm ấm, vui tươi.
Năm 2023 sẽ tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại


Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Trong đó, 3 yếu tố tác động mạnh đến lao động, việc làm và an sinh xã hội, gồm: hậu quả do COVID-19 để lại; tác động lạm phát, suy thoái, thu hẹp qua mô sản xuất; tác động của chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay thế lực lượng lao động có kỹ năng không phù hợp. Dự báo trong Quý I và Quý II năm 2023 có thể sẽ thiếu lao động cục bộ ở một số ngành và địa bàn ở khu vực phía Nam và miền Trung. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn sẽ gia tăng, dự báo sẽ khoảng 350.000 đến 400.000 người, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật…
Từ bối cảnh và nhận định nêu trên, năm 2023, trong triển khai thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu trình Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại. Tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ, phát lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội.
Triển khai toàn diện thiết thực, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiến hành nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hướng tới việc hình thành lưới an sinh xã hội, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành tựu phát triển.
Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm thu nhập, mất, thiếu việc làm; hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về quê đón Tết và quay trở lại nơi làm việc sau Tết Nguyên đán; theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình cung - cầu lao động tại các khu công nghiệp, các địa phương kinh tế trọng điểm để có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp. Cùng với đó là việc triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ linh hoạt, hiện đại với các yêu cầu liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động. Đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của quốc gia. Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Đề án đổi mới chính sách xã hội đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng bao trùm, toàn diện và bền vững, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân.
Thực hiện tốt các đề án, chính sách trợ giúp xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều, thúc đẩy phát huy nội lực tự vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, nhằm đáp ứng hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội./.
                                                                                                                                                                                                           Đào Ngọc Dung
                                                                                                                                                                                             Ủy viên BCH Trung ương Đảng
                                                                                                                                                                            Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
TAG: Bảo đảm an Sinh Xã Hội phát triển THị trường lao động linh hoạt đồng bộ Hiện đại bao
Tin khác
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần
Tiếp tục phát huy và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 28 ( khoá XI): Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu
Nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác tư tưởng của Đảng