Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Bắc Giang tích cực đổi mới công tác cai nghiện
02:05 PM 22/12/2018
Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 200/230 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, TP có người nghiện ma túy. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.247 người nghiện và nghi nghiện ma túy (tăng 95 người so với năm trước). Các địa phương có số người nghiện cao (hơn 200) là: TP Bắc Giang, Hiệp Hoà, Tân Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang.
Thực hiện triển khai đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” (theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg, ngày 27-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ), đầu năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND triển khai thực hiện đề án, chuyển đổi Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội thành Trung tâm Điều trị tự nguyện, nay là Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Được biết, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có hai điểm ở các xã Song Mai (TP Bắc Giang) và Ngọc Châu (Tân Yên). Cơ sở thực hiện đầy đủ các chức năng: Tiếp nhận, tổ chức cai nghiện; điều trị bằng thuốc thay thế Methadone; tư vấn, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng.
Hiện cơ sở có 280 bệnh nhân đang điều trị. Tại đây duy trì hoạt động dạy nghề, lao động cho học viên giúp tăng khả năng phục hồi sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái để họ sớm hòa nhập cộng đồng. 
Trong thời gian này, học viên được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, điều trị cắt cơn (kéo dài từ 15 đến 20 ngày, tùy thể trạng từng người và mức độ nghiện). Sau cắt cơn, học viên được đưa xuống nơi ở để học tập nội quy, quy chế, bố trí vào các tổ, đội với thời gian biểu cụ thể gồm: Học nghề, lao động trị liệu, giáo dục tuyên truyền, văn nghệ thể thao.
Đối tượng cai nghiện may túi siêu thị tại Cơ sở 1, xã Song Mai
Nhằm hỗ trợ người sau cai nghiện tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hàng năm căn cứ vào nhu cầu, năng lực, sở trường của người cai nghiện, cơ sở đã tổ chức học nghề tại chỗ cho học viên hoặc liên kết với các cơ sở dạy nghề ở các địa phương. 
Hiện cơ sở đã và đang tổ chức cho học viên lao động sản xuất bằng các nghề như: May túi siêu thị, làm mi mắt giả, làm điếu, tiện bi gỗ gia công, chổi xuất khẩu, trồng trọt, chăn nuôi.  
Nhằm đa dạng hình thức hỗ trợ cai nghiện, hướng đến chuyển dần sang hình thức cai tự nguyện tại cộng đồng và gia đình, Sở LĐTBXH còn chỉ đạo xây dựng 10 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị (TVCSHTĐT) nghiện tại cộng đồng đặt tại trạm y tế huyện, TP. Tại đây, người nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ điều trị thích hợp; tham gia sinh hoạt nhóm, nâng cao nhận thức về tác hại ma túy để từ bỏ.
Việc tư vấn, xét nghiệm, điều trị cắt cơn đều được miễn phí toàn bộ. Thêm nữa, ngành chức năng cũng tập trung cho công tác tuyên truyền, cấp phát hơn 150 nghìn tờ rơi truyền thông về các mô hình điều trị nghiện ma túy; tác dụng tích cực của việc sử dụng thuốc thay thế Methadone; chú trọng đến các địa bàn trọng điểm có số người nghiện cao. Trung bình hằng năm, tới gần 80% người nghiện ma túy điều trị tại đây đã cắt cơn thành công.
Từ đầu năm 2014 đến nay, các cơ sở của tỉnh và địa phương đã tổ chức cai nghiện cho hơn 1 nghìn lượt người. Trong đó, số người cai tự nguyện nhờ hỗ trợ của gia đình, cộng đồng mỗi năm đều tăng thêm từ 10-15%. 
Dù đã thu được những kết quả tích cực nhưng việc triển khai đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn. Nhiều địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác rà soát, quản lý đối tượng và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Vì thế, các hoạt động và hiệu quả thu được mới chỉ mang tính hình thức. Các điểm TVCSHTĐT nghiện tại cộng đồng chưa thực sự phát huy hết vai trò do thiếu kinh phí hoạt động. 
Về thực tế này, bác sĩ Đào Văn Thành, Trạm Trưởng Trạm Y tế thị trấn Neo (Yên Dũng) trao đổi: Do có điểm TVCSHTĐT đặt tại trạm nên đơn vị bố trí 4 cán bộ trực tiếp phục vụ và 5 phòng chức năng. Tuy vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu đồng bộ; cán bộ y tế chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, vất vả nhưng trợ cấp thấp là những lý do phần nào ảnh hưởng đến chất lượng triển khai nhiệm vụ. 
Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan như: Xác định tình trạng nghiện; quản lý, giám sát tại địa phương; lập hồ sơ… để đưa một người nghiện vào cơ sở cai nghiện đang có nhiều vướng mắc. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới việc tổ chức cai nghiện cho các đối tượng thuộc diện bắt buộc.
Để thực hiện hiệu quả đề án đổi mới công tác cai nghiện, hoàn thành các mục tiêu đề ra, theo ông Đào Hồng Song, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của cả người nghiện, gia đình, cộng đồng để chung tay đẩy lùi tệ nạn này. 
Duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình điểm TVCSHTĐT nghiện tại cộng đồng; đặc biệt, nghiên cứu bổ sung chức năng, nguồn lực để đây trở thành điểm cấp phát Methadone thường xuyên cho người nghiện. Phát huy những ưu điểm của thuốc thay thế Methadone, ông Song đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành y tế xây dựng thêm các điểm cấp phát tại 10 huyện, TP. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi về khoảng cách di chuyển, tiết kiệm thời gian, chi phí để người nghiện được điều trị hiệu quả. 
Các ngành chức năng, tổ chức hội đoàn thể địa phương tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm ổn định cho người nghiện sau cai để họ từng bước ổn định cuộc sống, giảm tối đa nguy cơ tái nghiện.
 
Tường Vi
TAG: Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang đổi mới công tác cai nghiện tỉnh Bắc Giang
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin