Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện hiệu quả Mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm
05:41 PM 14/07/2021
(LĐXH)-Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đặc thù phát triển mạnh về dịch vụ du lịch, ngành công nghiệp giải trí phát triển đã thu hút đông đảo người dân đến sinh sống, làm việc, vui chơi, nghỉ dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của các loại hình kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bar, karaoke, massage, nhà trọ… Tuy nhiên, đây cũng là những ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm với nhiều hình thức biến tướng, núp bóng các cơ sở để hoạt động mại dâm.
Tính đến hết năm 2020, số lượng người mại dâm hoạt động trên địa bàn ước tính khoảng 200 người, hầu hết là người có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình hình hoạt động mại dâm hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động mại dâm biến tướng, thường lợi dụng các cơ sở massage, Karaoke, quán bar, vũ trường, mạng internet, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để hoạt động. Ngoài ra, còn phát hiện các đường dây mại dâm chuyên nghiệp, hoạt động tinh vi như: sử dụng internet, điện thoại di động và các phương tiện hiện đại khác để hoạt động.    
Dịch vụ du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh dễ tạo môi trường tiềm ẩn tệ nạn mại dâm
Thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng, công an các địa phương đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá các điểm hoạt động mại dâm, đồng thời tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai các Mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2016 – 2020.
Với đặc điểm là những năm trước đây có nhiều người sử dụng ma túy đồng thời nhiễm HIV và người bán dâm, thị xã Phú Mỹ là địa bàn được chọn triển khai thí điểm mô hình nói trên với tên gọi: Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội.
Mô hình được thực hiện trong năm 2019 – 2020, với mục tiêu là tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ giảm hại cho 80 đến 100 lượt khách hàng là người bán dâm, lao động có nguy cơ cao hoạt động mại dâm làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, trong đó, tối thiểu có 10 người bán dâm. Tối thiểu 20 người bán dâm được tiếp cận, tham gia các hoạt động tuyên truyền, tư vấn định kỳ hàng tháng; 50% người bán dâm (đã tiếp cận, tư vấn) được chuyển gửi đến dịch vụ phù hợp. Xây dựng 01 bộ tài liệu truyền thông.
Để triển khai mô hình này, từ đó hỗ trợ, giảm hại cho nhóm đối tượng người bán dâm, các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm đã được hình thành, phát triển và duy trì hoạt động có hiệu quả.
Được sự quan tâm của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cử cán bộ tham gia lớp tập huấn triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm, đây là cơ sở tổ chức triển khai hoạt động các mô hình trong năm 2020 được đảm đúng theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn và kỹ năng trong triển khai hoạt động hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng giảng dạy, tập huấn cho thành viên Ban chủ nhiệm, các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực các mô hình.
Những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm
Trong quá trình triển khai thực hiện, mô hình đã nhận được sự đồng thuận, tạo điều kiện cũng như sự phối hợp của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ, điều đó đã đảm bảo tính bền vững và hiệu quả thực hiện của mô hình tại thời điểm này và cho những năm tiếp theo.
Trong các năm 2019-2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã khảo sát, tiếp cận các thành viên nòng cốt từ các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực có kinh nghiệm thực tiễn như: Nhóm Full House, Nhóm Phố Cảng Tân Thành, Nhóm Muối Trắng… và vận động Nhóm Full House tham gia phối hợp triển khai thực hiện mô hình tại địa bàn thị xã Phú Mỹ năm 2019, đến năm 2020 đổi tên Nhóm Câu lạc bộ Bình đẳng giới. Mô hình chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2019 và tính đến hết năm 2020, đã phối hợp tổ chức 02 hội thảo; 04 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho 120 lượt người là Ban chủ nhiệm mô hình, tiếp cận viên, các thành viên nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng; tổ chức 03 cuộc truyền thông về giảm tác hại và phòng, chống bạo lực giới trên cơ sở giới cho 90 lượt lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí; định kỳ hàng tháng tổ chức sinh hoạt nhóm cho 10 lượt người/buổi.  
Qua triển khai các hoạt động hỗ trợ thành viên Ban chủ nhiệm, tiếp cận viên các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ người bán dâm đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, truyền thông đến người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm đã được trang bị những kiến thức cơ bản về về phòng, chống mại dâm, bình đẳng giới, kỹ năng phòng, chống các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, phòng, chống HIV/AIDS… các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh…
Nhằm hỗ trợ tổ chức các hoạt động can thiệp giảm hại và kết nối dịch vụ hỗ trợ xã hội, Ban chủ nhiệm nhóm Câu lạc bộ Bình đẳng giới đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng nhằm hỗ trợ khẩn cấp giữa các thành viên của nhóm; số điện thoại đường dây nóng cũng được in rõ vào các tài liệu truyền thông, tờ rơi… khi thực hiện các hoạt động truyền thông cộng đồng, nhờ đó đã tạo sự lan tỏa, kết nối thông tin giữa nhóm Câu lạc bộ Bình đẳng giới với người bán dâm, lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được tiếp cận.
Bên cạnh đó, qua các cuộc hội thảo tọa đàm với các bên liên quan, đặc biệt với sự tham gia của ngành y tế, Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội chỉ đạo trực tiếp nhóm Câu lạc bộ Bình đẳng giới lập bản đồ các dịch vụ có sẵn trên địa bàn nhằm kịp thời hỗ trợ cho khách hàng khi có nhu cầu.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng giao cho Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội thiết kế và in ấn bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống mại dâm, giảm hại và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: 300 cuốn, 500 tờ rơi, 03 cái băng rôn để cấp phát cho người tham gia các buổi truyền thông cộng đồng và cấp phát cho các câu lạc bộ, các nhóm đồng đẳng, các nhóm tự lực.
Có thể thấy, Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội ở thị xã Phú Mỹ đã luôn nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự giúp đỡ, phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan như Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Y tế thị xã Phú Mỹ trong quá trình triển khai thực hiện. Số người bán dâm, lao động nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngày càng được tiếp cận nhiều hơn và được tham gia vào các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, khám sức khỏe… có sẵn tại địa bàn triển khai. Hầu hết các chính sách, dịch vụ hỗ trợ đang triển khai tại mô hình đều đáp ứng nhu cầu thực tế  cho người bán dâm, lao động nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh./.
 
Mỹ Hạnh
 
TAG: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tệ nạn mại dâm
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công