Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Ấm lòng những ngôi nhà mang tên Quyết định 22 ở Phú Thọ
04:29 PM 09/07/2020
(LĐXH)- “Uống nước nhớ nguồn” luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Truyền thống ấy càng được tô thắm khi nhiều người có công ở Phú Thọ đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong tỉnh chung tay hỗ trợ xây dựng, sửa chữa khang trang, tạo nên những ngôi nhà tình nghĩa ấm lòng mang tên Quyết định 22...
Trong những năm qua, xác định nhu cầu nhà ở cho người có công là cấp thiết, do đó, bên cạnh việc tổ chức triển khai các chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động này nhận được sự đồng thuận của toàn cộng đồng và có sự chỉ đạo thực hiện sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, do vậy, các quy định của Chính phủ, quy trình bình xét, tổ chức hỗ trợ tại các địa phương được đảm bảo đúng quy định.
Những ngôi nhà xây mới hay sửa chữa, không chỉ giúp người có công có mái ấm an cư, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với sự cống hiến, hi sinh to lớn của các gia đình chính sách vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từng là bộ đội tham gia chiến đấu giúp nước bạn Camphuchia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thương binh nặng 1/4 Đỗ Văn Đơ ở xã Bắc Sơn (huyện Tam Nông) mang trên mình nhiều thương tật. Phục viên trở về địa phương với sức khỏe yếu, kinh tế gia đình chồng chất khó khăn. Chắt chiu lắm, năm 2010, vợ chồng ông mới cố gắng xây được ngôi nhà cấp 4 những cũng chỉ dừng lại ở phần thô mà chưa có điều kiện hoàn thiện. Ông Đỗ Văn Đơ, tâm sự: “Sống trong ngôi nhà tường không trát, sân không lát, trần không có đôi khi cũng thấy buồn. Vợ chồng tôi và các con cứ động viên nhau rằng thôi thì hoàn cảnh túng thiếu, có nhà che nắng mưa là tốt rồi. Đến năm 2018, tôi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 20 triệu đồng mới sửa lại khang trang, sạch sẽ hơn”.
Ngôi nhà khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Lạc ở khu 10, xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập) bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của anh em
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, bà Nguyễn Thị Thanh Lạc ở khu 10, xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập) - thân nhân của 2 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ rất phấn khởi khi ngôi nhà tạm trước đây đã được thay thế, đây là niềm vui khôn tả đối với gia đình bà. Vì chồng con thường xuyên đau ốm nên nhiều năm gia đình bà không thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Lạc, năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 40 triệu đồng, gia đình bà đã xây được ngôi nhà rộng rãi, sạch đẹp. Bà Lạc phấn khởi, động viên các con chịu khó làm ăn để gia đình có cuộc sống ấm no.
Đó chỉ là hai trong số hàng nghìn gia đình người có công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi triển khai Đề án, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo thực hiện. Công tác xã hội hóa trong hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được quan tâm, cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương và đối ứng của tỉnh theo quy định, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn bằng nhiều hình thức: Tiền mặt, hiện vật, ngày công lao động… Công tác lập hồ sơ hoàn công cho từng gia đình được hỗ trợ về nhà ở; quản lý, cấp phát, thanh quyết toán các nguồn vốn hỗ trợ đảm bảo chính xác, dân chủ, công khai đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả. Nhà ở sau khi xây dựng mới và sửa chữa đảm bảo đúng theo diện tích và chất lượng theo quy định.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 8.411 hộ người có công được nhận hỗ trợ, trong đó hơn 3.800 hộ xây mới và hơn 4.500 hộ sửa chữa nhà ở với tổng số kinh phí ngân sách Trung ương đã được thanh quyết toán là 245,56 tỷ đồng. Ngoài ra, số hộ người có công theo Đề án được phê duyệt, thẩm tra nhưng chưa được hỗ trợ còn hơn 1.800 hộ, gồm hơn 1.000 hộ xây mới và 860 hộ sửa chữa. Trong đó, có hơn 1.000 hộ có tên trong Đề án không đủ điều kiện hỗ trợ, 262 hộ có tên trong Đề án không có nhu cầu hỗ trợ, 276 hộ xin lùi thời gian hỗ trợ… Đến đầu năm 2020, theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thành, thị, toàn tỉnh còn 277 hộ cần hỗ trợ phát sinh ngoài Đề án được phê duyệt, thẩm tra. 
Ngoài chương trình hỗ trợ nhà cho người có công theo Quyết định số 22 còn nhiều chương trình khác như: Nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, các dự án tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cho người có công trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện thường xuyên.
Có thể khẳng định, từ năm 2013 đến nay, việc thực hiện Quyết định số 22 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiến hành theo đúng quy trình, hướng dẫn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng đơn thư kiến nghị. Qua quá trình rà soát cho thấy, các gia đình có công với cách mạng đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không thể tự sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà ở nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Và trên hết, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc quan tâm đến đời sống người có công với cách mạng.

Lê Hoàng

TAG: Phú thọ quyết định số 22/QĐ-TTg Nhà ở xây Dựng Sửa chữa ấm lòng nhà tình nghĩa
Tin khác
Điện Biên: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo
Quỹ Giáo dục Huế Hiếu Học tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
Thông điệp 'Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc' của Trung ương MTTQ Việt Nam
Phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Hà Nội: Quý I năm 2024, vốn tín dụng chính sách góp phần thu hút, tạo việc làm mới cho trên 21,1 nghìn lao động
TPHCM: Phát động Giải Báo chí viết về Chuyển đổi số
Hơn 580 triệu đồng dành tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Ngãi
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI