Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0
11:09 AM 18/04/2019
(LĐXH)- Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Lao động - Xã hội phối hợp với Trường Đại học Thương Mại tổ chức với chủ đề “Quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0”.

Với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực lao động, quản trị nhân lực; đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học với các tổ chức/doanh nghiệp trong đào tạo ngành quản trị nhân lực, sáng 18/4 tại Trường Đại học Lao động - Xã hội, Trường Đại học Lao động - Xã hội phối hợp với Trường Đại học Thương Mại tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia, chủ đề “Quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0”. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tham dự Hội thảo có TS. Hà Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội; PSG.TS Lê Thanh Hà - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội; Phía Đại học Thương mại có GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng. TS; Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí lao động và Xã hội tham gia Hội thảo và có tham luận “Việc làm và quan hệ lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hội thảo cũng thu hút đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nhân lực đến từ các viện nghiên cứu, các đơn vị thuộc Bộ La động – Thương binh và Xã hội, các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hà Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch các yếu tố sản xuất ngày càng trở nên dễ dàng, nhanh chóng. Hơn bao giờ hết, nhân lực trở thành yếu tố giữ vai trò quyết định đến sự đổi mới, sáng tạo và phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp và cả quốc gia. Việt Nam đã chủ động tham gia sâu, rộng vào quá trình hội nhập quốc tế, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều vấn đề mới về quản trị nhân lực đã nảy sinh. Những cơ hội, thách thức kép xuất hiện chưa có tiền lệ đối với quản trị nhân lực ở cả tầm quốc tế, vĩ mô và vi mô rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu thực chứng.  

TS.Hà Xuân Hùng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên các trường đại học gửi bài nghiên cứu tham gia. Các bài nghiên cứu có giá trị, mang hàm lượng khoa học cao và thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận về 3 chủ đề mà Ban Tổ chức đã xác định, đó là: 1) Quản trị nhân lực doanh nghiệp; 2) Quan hệ lao động, trách nhiệm xã hội, quyền lao động trong doanh nghiệp; 3) Môi trường vận hành, phát triển và đổi mới quản trị nhân lực doanh nghiệp.

Đây là những bài viết không chỉ tổng kết thực tiễn mà còn có tính lý luận, học thuật, gợi mở những giải pháp khoa học, hàm ý chính sách trong lĩnh vực quản lý lao động xã hội và quản trị nhân lực các cấp trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0; góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và là một trong những vấn đề cấp thiết cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh: CMCN 4.0 đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động, tăng mức thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, kết nối con người đến gần nhau hơn qua các phương tiện liên lạc tiên tiến; đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động thông qua việc cắt giảm chi phí đi lại, vận chuyển và tạo ra những việc làm mới. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người lao động như: bị mất việc làm do bị thay thế bằng máy móc; không được bảo vệ quyền lợi do có sự thay đổi về bản chất của quan hệ lao động do ứng dụng công nghệ mới; bị phân biệt đối xử bất bình đẳng trong xã hội giữa lao động có kỹ năng cao và lao động có kỹ năng thấp, giữa ông chủ sở hữu máy móc và người lao động.

Các đại biểu, các nhà khoa học tại Hội thảo

CMCN 4.0 sẽ đem lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho những người phát minh, nhà đầu tư chứ không phải là người lao động thông thường, dẫn đến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. CMCN 4.0 có thể gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.

Do đó, từ nhận diện những việc hạn chế, thời cơ và thách thức tính đến yêu cầu về nguồn nhân lực, quản trị nguồn nhân lực trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 về nguồn nhân lực, quản trị nhân lực yêu cầu của cách mạng 4.0, bản thân mỗi người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của việc chuyển sang giai đoạn cách mạng 4.0.

Các nhà khoa học cũng đề nghị Nhà nước và các Bộ, ngành cần ban hành và hoàn thiện thể chế, chính sách cho việc triển khai cuộc cách mạng 4.0 trong toàn bộ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp. Hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 cần quyết liệt trong triển khai thực hiện trên thực tế, có chính sách hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng 4.0 ở doanh nghiệp và trong quản trị nguồn nhân lực của tổ chức, đoanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại phát biểu tại buổi Hội thảo

Việt Nam chuyển sang kỷ nguyên cách mạng 4.0 từ xuất phát điểm khá thấp, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng thấp, quản trị nhân lực còn chưa cập nhật với yêu cầu đòi hỏi của cách mạng 4.0, năng lực quản trị nhân lực còn những hạn chế, bất cập. Do đó cần phải có bước đi thích hợp, cụ thể trên cơ sở tận dụng những thành tựu khoa học, công nghệ và quản lý, quản trị nhân lực mới đảm bảo sự thành công trong cách mạng công nghiệp 4.0./.

Hồng Minh

TAG: sadá
Tin khác
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm