Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968: Bước ngoặt quyết định và bài học kinh nghiệm quý giá
08:58 AM 24/01/2018
(LĐXH)- Cách đây tròn nửa thế kỷ, đúng vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bài thơ chúc tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Trong đó, lời kêu gọi “Tiến lên!” chính là hiệu lệnh mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Ngay lúc đó, các lực lượng vũ trang của ta từ vĩ tuyến 17 tới Mũi Cà Mau đồng loạt nổ súng, giáng cho quân đội Mỹ và chư hầu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 được coi là bước ngoặt quyết định, có ý nghĩa lịch sử to lớn, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ông Phùng Duy Tường tại lễ gặp mặt kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam

Đã 50 năm trôi qua, nhưng tầm vóc của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 vẫn đậm sâu trong trí nhớ những cựu chiến binh (CCB), những người trực tiếp tham gia trong mùa xuân năm ấy. Trong tâm trí của họ, những ký ức hào hùng vẫn vẹn nguyên, họ nhớ rất rõ với sự đồng loạt nổ súng tổng tấn công, đánh thẳng vào sào huyệt kẻ thù, biến những nơi mà chúng cho là “an toàn nhất” trở thành “hoảng loạn, choáng váng” và báo hiệu sự thất bại hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh cục bộ”.

Đồng loạt đánh thẳng vào đầu não của địch

Ông Lê Bá Lộc, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 33- một đơn vị chủ lực tấn công vào TX. Buôn Mê Thuột (sào huyệt của kẻ thù ở khu vực Tây Nguyên) trong Mậu Thân 1968 kể lại, Trung đoàn 33 nhận lệnh hành quân từ Gia Lai về Đắc Lắc vô vàn khó khăn gian khổ. Với khí thế tổng tiến công và được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, của hậu phương lớn miền Bắc, sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên và tinh thần đoàn kết của toàn Trung đoàn, cán bộ chiến sĩ đã phân công và có mặt tại tất cả các vị trí của địch như: Sư đoàn 23 Ngụy, các Trung đoàn chủ lực của Mỹ như 43, tăng thiết giáp, Sân bay Hòa Bình và Tỉnh đoàn bảo an....sẵn sàng chờ lệnh giờ G (giao thừa Tết Mậu Thân) nổ súng.

Về phía địch, chúng bố phòng khá cẩn mật với nhiều lực lượng chủ lực, lính bảo an, quân chư hầu. Nhưng đúng giờ quy định, ta đồng loạt nổ súng, tiêu diệt 1 tiểu đoàn ngụy, 2 đại đội Mỹ và 1 tiểu đoàn chư hầu của Mỹ, chúng bất ngờ co cụm và tìm cách phản công. Do tương quan lực lượng, ta cầm cự trong thị xã 7 ngày thì được lệnh rút về các địa phương. Trong trận đánh toàn Buôn Mê Thuột, Trung đoàn có 450 đồng chí hy sinh, riêng trong trận đêm giao thừa Mậu Thân 1968, Trung đoàn hy sinh 200 cán bộ chiến sĩ. “Sau đêm giao thừa, địch tăng cường viện trợ, canh gác và chúng luôn trong tình trạng hoảng loạn “Việt cộng có thể đánh ở mọi nơi và bất cứ lúc nào- điều trước Mậu Thân 1968, chúng chưa bao giờ nghĩ tới”, ông Lộc nói.

 Giới thiệu bức ảnh kỷ niệm với đồng đội năm 1968

Với Cựu chiến binh Phùng Duy Tường, suốt 35 năm phục vụ trong quân ngũ, nhưng điều ông nhớ nhất chính là trận đánh Sân bay Biên Hòa đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Lúc đó, ông trong đội hình của Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa, nhận được lệnh từ chiều tối 30 Tết, ông cùng đồng đội xuyên qua các cánh rừng từ Trảng Bom, Trà Cổ, Hố Nai, vượt qua sự tuần tra của địch, áp sát vành đai Sân bay, ẩn nấp vào khu vực ruộng, rẫy của người dân và chờ giờ G hành động.

Đúng giao thừa, tiếng pháo phản lực từ Chiến khu Đ bắn dồn dập thẳng vào Sân bay Biên Hòa, ánh lửa từ các đuôi đạn pháo xé toạc bầu trời đêm sáng rực một vùng rộng lớn. Tiếng còi báo động từ sân bay cất lên cùng tiếng hô xung phong từ các mũi tấn công, trận giằng co ác liệt giữa ta và địch chính thức bắt đầu. Cuộc chiến đấu gay go quyết liệt, nhiều đồng đội hy sinh ngay tại vành đai Sân bay, bản thân ông cũng bị thương nặng, ông được kết nạp Đảng ngay sau trận giao thừa Tết Mậu Thân 1968.

Bí mật bất ngờ

Là một nhân vật hoạt động trong lực lượng an ninh miền, Thượng tá Vũ Minh Khởi, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ An ninh Quân khu 7- người trực tiếp tham gia hệ thống an ninh tình báo trong thời điểm Tết Mậu Thân 1968 kể lại, lúc đó khí thế của Tổng tiến công hừng hực khắp mọi nơi, nhưng công tác đảm bảo bí mật, bất ngờ được giữ đến phút chót. Chính yếu tố bí mật, bất ngờ đã góp phần lớn trong thắng lợi đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968.

Nhiều tướng tá Mỹ cũng phải thừa nhận chính sự bất ngờ đã làm họ hoảng loạn, “không còn nơi an toàn” ngay chính thủ phủ mà chúng cho là an toàn nhất. Tướng Oét-mo-len, nguyên Tư lệnh Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam viết cuốn sách “Một quân nhân tường trình” xuất bản ở New York năm 1976: “Việt cộng đã đưa chiến tranh đến các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong thiệt hại và nền kinh tế bị phá hoại... các trung tâm huấn luyện bị đóng cửa...Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta (Mỹ) phải công nhận, đối phương đã giáng cho chính phủ Việt Nam cộng hòa một cú đấm nặng nề”.

Ông Vũ Minh Khởi cho rằng, hầu hết tất cả lực lượng vũ trang toàn quân đều chuẩn bị sẵn khí thế đến giờ G hành động một cách bí mật, bất ngờ. Do vậy, sau trận Giao thừa Tết Mậu Thân đã mở ra cho ta khả năng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngay tại sào huyệt của chúng như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ... mà chúng không kịp trở tay. Ông Khởi cho biết, nếu sau trận Bàu Bàng, ta mới chỉ đánh được 2 Trung đoàn, tức mới chỉ đánh đến cỡ Trung đoàn thì sau Giao thừa Mậu Thân 1968, với đường lối sáng tạo, tầm nhìn chiến lược, yếu tố bất ngờ, ta đã đánh vào tận sào huyệt của Mỹ và đẩy mạnh phong trào toàn miền Nam đánh Mỹ.

Ông Lê Bá Lộc (áo trắng) kể lại sự kiện Mậu Thân 1968 và những ảnh tư liệu ngày ấy

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đêm Giao thừa và mùng Một Tết Mậu Thân 1968, lợi dụng sơ hở của địch, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (5 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần) làm cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ không kịp trở tay đối phó. Đặc biệt tại Sài Gòn- Chợ Lớn, ta tiến công Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Đài Phát thanh Sài Gòn, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Riêng trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ hơn 6 giờ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.

Trong hồi ký “Thanh gươm và lưỡi cày”, xuất bản tại New York năm 1972, tướng Mắc- xoen Tay-lo, cựu đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau về làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống Giôn- xơn đã thừa nhận: “Ngày 31-1-1968 (đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968), quân địch (Quân giải phóng) tiến công và chỉ trong vòng 2 ngày, họ đã tiến vào 5 đô thị lớn, 39 tỉnh lỵ và nhiều thành phố. Những trận tiến công của họ đã được báo chí Mỹ tường thuật dưới dạng những hàng tít lớn được chiếu trên các màn ảnh vô tuyến truyền hình và đã làm cho phần lớn dân chúng Mỹ và một số quan chức kinh hoàng. Sự hoàn hồn đó mãi mãi không bao giờ được khôi phục lại hoàn toàn”.

 

Bích Thuận

TAG: 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968: Bước ngoặt quyết định và b bao
Tin khác
Hỗ trợ hành vi tích cực – hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên chủ động triển khai nhiệm vụ trong những tháng đầu năm 2024
Đảm bảo thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Nghệ An: Quan tâm chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7