An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
5 nhóm chính sách lớn trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
09:37 PM 16/03/2023
(LĐXH)- Chiều ngày 16/3/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).
Mở đầu cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan đã trình bày về kế hoạch, quan điểm, mục tiêu khi xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo đó, việc sửa đổi Luật BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lưc lượng lao động.
Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Họp báo thông tin về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Theo ông Nguyễn  Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thiết kế gồm 9 Chương (giữ nguyên số Chương) và 133 Điều (nhiều hơn 8  Điều so với Luật hiện hành), theo đó nội dung sửa đổi chính tập trung vào 05 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt;  Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội);Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; và Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
So với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính sau:
1.Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Đặc biệt, Dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
2.Bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại cuộc họp báo
3.Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện: Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.
4. Giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45- 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.
5.Quy định về hưởng BHXH một lần:
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng như: (1) Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội; (2) Người hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đối với quy định về BHXH một lần, Dự thảo xin ý kiến với 02 phương án:
- Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13): "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".
- Phương án 2 (quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội trình bày những nội dung chính trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
6. Bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế
7.Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH. Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH như: (i) Quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế); (ii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên; (iii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên; (iv) Quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Toà án; (v) Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật; (vi) Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
8.Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 02 phương án:
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
9. Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu . Nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu, để vừa giúp cải thiện mức lương hưu, gia tăng quyền lợi cho người lao động, vừa góp phần bảo vệ tốt hơn cho người lao động trong quá trình làm việc. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến với 02 phương án có sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu, cụ thể:
Phương án 1: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Phương án 2: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
10.Sổ bảo hiểm xã hội điện tử: Dự thảo Luật quy định sổ BHXH được xây dựng trên môi trường điện tử và được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng, là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện thực hiện thực tiễn đối với những trường hợp chưa có điều kiện thực hiện điện tử thì Dự thảo luật cũng có bước quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục sử dụng sổ BHXH bằng bản giấy.
Toàn văn nội dung dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện đang được đăng tải để xin ý kiến rộng rãi nhân dân tại các địa chỉ:
Website Chính phủ: www.chinhphu.vn
Website Bộ LĐTBXH: www.molisa.gov.vn
Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10/2023./.
Thảo Lan

 

 

TAG: 5 nhóm chính sách lớn Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bao
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin